28/02/2014 08:20 GMT+7

Cao đẳng khó tuyển sinh nếu còn thi chung

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định như vậy khi đề cập về giải pháp cho các trường cao đẳng trong cuộc khủng hoảng tuyển sinh.

Giải pháp nào cho tuyển sinh cao đẳng?Bậc cao đẳng ngày càng teo tóp

E2FE5AJj.jpgPhóng to
Nếu không có bảng hiệu tên trường, ít ai nghĩ rằng đây là một trường CĐ. Cả tòa nhà không một bóng SV, chỉ lác đác vài cán bộ làm việc. Kỳ tuyển sinh năm 2013, Trường CĐ công nghệ và kinh doanh Việt Tiến không tuyển được SV nào A- ̉nh: Đoàn Cường

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Ga cho biết: “Năm 2014 những trường có đề án tuyển sinh riêng phù hợp với quy chế được tự chủ tuyển sinh. Bên cạnh đó bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung như những năm trước. Nhưng nếu tiếp tục tuyển sinh chung, chủ yếu dựa vào kiểm tra kiến thức như lâu nay, các trường cao đẳng (CĐ) sẽ khó tuyển được thí sinh phù hợp. Các trường cần nhanh chóng xây dựng đề án tuyển sinh riêng”.

"Trong những năm tới đây số trường đại học, cao đẳng sẽ được giữ gần như ổn định để tập trung nâng cao chất lượng trong toàn hệ thống"

* Trước áp lực tuyển sinh “ba chung” không đem lại đủ nguồn tuyển cho trường CĐ, đã có chuyên gia đề xuất bỏ hẳn đợt thi CĐ không hiệu quả để tiết kiệm ngân sách và giúp các trường được tự chủ xét tuyển đơn giản từ kết quả học tập phổ thông. Cơ chế hiện hành có cho phép thực hiện ngay việc này không, thưa thứ trưởng?

- Đợt thi CĐ do bộ tổ chức chung để giúp các trường chưa có phương án tuyển sinh riêng, không bắt buộc các trường tuyển sinh riêng phải sử dụng kết quả này. Trong danh sách các trường đã công bố đề án tự chủ tuyển sinh năm nay có khá nhiều trường CĐ. Đề án tuyển sinh của các trường này rất đa dạng nhằm tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp với mục tiêu đào tạo định hướng nghề nghiệp.

* Nhiều trường vẫn đổ lỗi cho thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông làm hẹp cánh cửa học lên ĐH của sinh viên CĐ, cản trở các trường tuyển sinh...

- Thông tư 55 chấn chỉnh lại việc đào tạo liên thông để đảm bảo chất lượng. Thực tế quyền lợi sinh viên theo học liên thông không những không bị giảm mà còn được cải thiện thêm. Khi tốt nghiệp CĐ, nếu có nguyện vọng thì các em thi liên thông ngay với kiến thức cơ bản vốn có của mình. Nếu không, các em tìm việc làm rồi ba năm sau có thể thi liên thông với kỹ năng chuyên môn tích lũy được. Cả hai lựa chọn đều tốt.

Thông tư 55 chuẩn bị bước qua năm thứ ba. Những sinh viên tốt nghiệp CĐ khi thông tư này bắt đầu có hiệu lực thì năm tới đã có thể thi liên thông với kiến thức chuyên môn. Với quy định của thông tư này, trong cơ cấu nhân lực luôn có các trình độ khác nhau, để một mặt đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và mặt khác, không hạn chế cơ hội học tập của người dân.

* Không ít người cho rằng Bộ GD-ĐT nên nhìn thẳng hậu quả của tình trạng cho nâng cấp các trường quá ồ ạt suốt thời gian dài gây mất cân đối cung - cầu về nhân lực. Nhiều trường vẫn đang tiếp tục xin nâng cấp, Bộ GD-ĐT sẽ giải bài toán thế nào, thưa thứ trưởng?

- Hiện nay mỗi năm có khoảng 1,2 triệu thí sinh (thí sinh vừa tốt nghiệp phổ thông và thí sinh thi lại) thì chỉ khoảng 300.000 trúng tuyển vào đại học, chiếm khoảng 25%. Số còn lại đủ điều kiện trúng tuyển vào CĐ rất lớn nhưng một số trường vẫn không tuyển đủ. Năm 2013 các trường CĐ chỉ tuyển được 165.000 sinh viên trên 281.000 chỉ tiêu đăng ký. Như vậy vấn đề không phải ở chỗ có nhiều trường đại học. Trong số 213 trường CĐ có 74 trường có kết quả tuyển sinh đạt trên 80%. Điều quan trọng nhất là cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Những năm gần đây các ngành thuộc lĩnh vực quản lý đã có hiện tượng cung vượt cầu. Cũng như bậc đại học, trường CĐ có những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực này ắt gặp khó khăn, cần thiết phải điều chỉnh cơ cấu đào tạo cho phù hợp.

Tuyển sinh là việc của các trường

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, tuyển sinh là việc của các trường. Hãy để các trường tự lo, có như vậy các ông/bà hiệu trưởng phải xắn tay vào xây dựng trường, tự bản thân họ phải có trách nhiệm với tập thể nhà trường để lo xây dựng cơ sở vật chất, lo cuộc sống giảng viên, lo xây dựng thương hiệu nhà trường, lo chất lượng đào tạo sản phẩm đầu ra của họ là “sinh viên sau tốt nghiệp” có được xã hội chấp nhận hay không...

Bộ GD-ĐT nên tập trung vào công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng, như phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo của các trường...

Ở khía cạnh khác, để có một nền giáo dục lành mạnh phải có sự sàng lọc năng lực học sinh ngay từ bậc trung học cơ sở để phân loại những học sinh nào có năng lực thật sự tiếp tục học lên cấp III, còn những em nào không vào cấp III sẽ theo học các trường nghề để nhanh chóng đi làm kiếm tiền mưu sinh... Như vậy bộ phận dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH nên trả về cho Bộ GD-ĐT để tiện một đầu mối quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.Bạn đọc Trọng Dân

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên