Studio Ghibli thành lập năm 1985, xưởng phim này nuôi dưỡng giấc mơ của bao đứa trẻ, hoặc với bất cứ những ai từng là trẻ con.
Những người bắt đầu xem phim hoạt hình vào cái tuổi của cậu nhóc trong phim Cô bé người cá Ponyo và nay đã thấy mình già hơn cả anh kỹ sư chế tạo phi cơ trong phim Nổi gió.
Bốn mươi năm nhìn lại
Cả hai phim nói trên thuộc giai đoạn sáng tạo "hậu Vùng đất linh hồn" của Miyazaki Hayao, sau khi ông đã tuyên bố giải nghệ để rồi trở lại mạnh mẽ hơn, giàu năng lượng hơn.
Miyazaki Hayao gắn tên tuổi mình với Studio Ghibli hay cũng có thể nói ngược lại.
Sinh năm 1941, Miyazaki đã bước vào tuổi lục tuần khi tạo ra kiệt tác Vùng đất linh hồn, Oscar phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2002.
Hơn hai mươi năm sau, ông lặp lại thành tích khi Thiếu niên và chim diệc đoạt giải Oscar năm 2024. Thành tựu này, riêng ở Nhật Bản, chỉ có ông làm được và khi đó ông 83 tuổi.
Bằng sức lao động bền bỉ, Miyazaki chứng minh trong nghệ thuật chưa bao giờ là quá muộn. Dẫu thế giới nghệ thuật ngày nay bị công nghệ đe dọa, từ siêu phẩm không chỉ dành cho các kiệt tác mà cho cả những phim kinh phí cao, lợi nhuận khủng.
Nói như thế không phải là phim của Studio Ghibli thuộc dạng kén người xem. Thời điểm Công chúa Mononoke phát hành (1997), đây là phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Nhật, Miyazaki tuyên bố nghỉ hưu được rồi.
Nhưng sau đó, vị trí này bị Titanic soán ngôi. Miyazaki quyết định trở lại với phim hoạt hình, niềm đam mê và sự thống khổ của ông. Nhưng tại sao lại có cả sự thống khổ?
Nếu xem bộ phim tài liệu của Đài NHK 10 năm theo chân Miyazaki Hayao, khán giả sẽ rõ về điều này. Quá trình làm phim tựa hồ một cực hình với ông.
Vị đạo diễn già mất ăn mất ngủ, vò đầu bứt tóc, sọt rác đầy phác thảo không dùng được. Sự căng thẳng ấy lan đến cả những cộng sự, hậu bối của ông.
Những đòi hỏi về độ hoàn hảo tuyệt đối, sự cực đoan của ông không phải ai cũng có thể chịu đựng được.
Đã có những bài viết phân tích góc tối của "thế giới thần tiên", nơi giấc mơ đẹp đẽ của hàng triệu con người được tạo từ sự thống khổ của vài cá nhân.
Đó cũng là vết rạn nhỏ trên bức tranh cuộc đời đạo diễn phim hoạt hình vĩ đại nhất còn sống.
Nhưng, nếu không có tính cầu toàn nghiệt ngã đó, liệu Miyazaki có vĩ đại đến vậy?
Tài năng không chỉ đem lại hào quang cho ông, nó còn thay đổi cách thế giới nhìn nhận về phim hoạt hình. Nó không chỉ là thuần túy dành cho trẻ con mà là những kiệt tác điện ảnh thực thụ, nơi nghệ thuật thứ bảy thăng hoa mạnh mẽ cùng hội họa.
Sự cầu toàn, làm gì cũng đạt đến độ hoàn mỹ đến từ căn tính của người Nhật. Trước Miyazaki, điện ảnh Nhật Bản đã có Ozu và Kurosawa.
Miyazaki rất gần Kurosawa ở tinh thần làm việc. Tín đồ điện ảnh hẳn biết giai thoại Kurosawa đã xây cả tòa thành để đốt trong một cảnh phim của kiệt tác Ran (1985).
Cũng tại Cannes lần thứ 77, một người hâm mộ Kurosawa là Coppola trở lại với phim Megalopolis, ở tuổi 85. Lần nữa cho thấy điện ảnh thế giới vẫn có thể tin vào những bô lão như Coppola hay Miyazaki.
Mùa thu của các trưởng lão
Cái bóng của Miyazaki lớn đến mức nhiều người ngộ nhận rằng Studio Ghibli chỉ có mỗi ông. Không, xưởng phim này còn là ngôi nhà của Takahata Isao quá cố, đồng sáng lập Studio
Ghibli, đạo diễn của Mộ đom đóm, Nàng công chúa Kaguya. Và Suzuki Toshio, nhà sản xuất đứng sau thành công của xưởng phim.
Cũng trong 10 năm theo chân Miyazaki Hayao, khán giả có thể thấy vai trò tổ chức, kết nối của Suzuki với các thành viên của xưởng phim hay như một "sứ giả" của cha con nhà Miyazaki.
Goro là con trai của Hayao, tuy vậy họ không mấy hòa thuận. Miyazaki cha không hài lòng lắm khi con trai theo nghiệp mình.
Đối với Miyazaki cha, nghề đạo diễn cực kỳ gian khổ và không dành cho những người yếu đuối, phải làm việc đến chảy máu mũi mới có khả năng tạo ra những tác phẩm xuất sắc.
Vất vả là thế nên Miyazaki Hayao đã tuyên bố nghỉ hưu vài lần dù người hâm mộ Studio Ghibli vẫn luôn chờ tác phẩm kế tiếp của ông.
Tuy vậy, sự tồn vong của một hãng phim sẽ không chỉ nhờ vào vài cá nhân kiệt xuất, nó còn là đóng góp của cả đội ngũ, những người trung thành với những nguyên tắc cũ để đảm bảo ra đời các tác phẩm tôn vinh sức sáng tạo và tài hoa của con người.
Sự thật là sau khi Takahata Isao qua đời năm 2018, Miyazaki Hayao mạnh mẽ đến đâu cũng không chiến thắng được thời gian.
Và vinh quang của Studio Ghibli duy trì được hay chăng phụ thuộc vào thế hệ đạo diễn tiếp theo mà Miyazaki Goro là đại diện.
Trong các phim của Miyazaki Hayao, thế giới luôn bị đe dọa bởi những dự cảm tối tăm, bất an. Vì chiến tranh, vì môi trường bị tàn phá, vì lòng tham vô độ của con người.
Những phát ngôn của Miyazaki một thời từng nổi khắp mạng xã hội, ẩn sau đó là nỗi hoài nghi về tương lai.
Dẫu vậy, các nhân vật trong phim ông không ngừng chiến đấu vì lý tưởng, vì tình yêu. Cũng giống cách Miyazaki trung thành với nét vẽ tay để kháng cự lại những bộ phim được sản xuất bằng máy móc khi công nghiệp điện ảnh ngày càng lạm dụng vai trò của kỹ xảo và trí tuệ nhân tạo.
Cành cọ vàng cho Studio Ghibli sẽ không chỉ tôn vinh một xưởng phim. Nó còn tri ân cả một thời đại phim hoạt hình mà ngay trên đỉnh cao đã thấp thoáng bóng hình suy thoái.
Không phải vì thẩm mỹ khán giả đổi thay mà vì các nhà sáng tạo dường như đã mất niềm tin vào khả năng vô hạn của con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận