![]() |
Thủ tướng Lý Hiển Long cùng các ứng cử viên PAP đến một địa điểm bầu cử - Ảnh: Reuters |
Cuộc tổng tuyển cử năm 2011 được đánh giá là cuộc bầu cử cạnh tranh nhất từ ngày Singapore độc lập từ năm 1965 do có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đảng đối lập với Đảng cầm quyền Hành động của nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lý Hiển Long. Sự xuất hiện các đảng đối lập nhỏ đã nhận được sự ủng hộ của cử tri. "Tôi rất vui khi có thể bỏ lá phiếu bầu cử cho chính tương lai của tôi. Tôi sẵn sàng chứng kiến sự thay đổi nên tôi sẽ bầu cho một đảng đối lập” - công dân trẻ Muhammad Nurashik, 25 tuổi, nói. Báo The Channel News Asia cho biết có tổng cộng bảy đảng chính trị ở cuộc tổng tuyển cử đợt này, họ đã vận động tranh cử suốt chín ngày từ 27-4 đến 5-5.
Trước bầu cử, giới chuyên gia cho rằng uy tín của PAP đã phần nào giảm sút do tình hình lạm phát tăng cao và vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Thêm vào đó, người nghèo Singapore phàn nàn rằng cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn khi Chính phủ Singapore áp dụng chính sách mở rộng và thu hút đầu tư nước ngoài vào đảo quốc này. Song dù phải đối mặt với những khó khăn, giới phân tích đánh giá khả năng Đảng cầm quyền PAP sẽ giành chiến thắng trong đợt tổng tuyển cử này là rất lớn và Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ tái đắc cử. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006, PAP đã giành chiến thắng với 66,6% số phiếu hợp pháp.
Trước thềm bầu cử, ngày 3-5 Thủ tướng Lý Hiển Long đã bất ngờ lên tiếng xin lỗi cử tri Singapore do chính phủ đã để xảy ra những hiện tượng không làm hài lòng dân, từ giá tiêu dùng và nhà đất tăng cao gây nguy cơ lạm phát đến chuyện ngập lụt ở phố Orchard năm 2010 và để trùm khủng bố Mas Selamat vượt ngục năm 2008.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận