Khảo sát của báo Tuổi Trẻ về những mong muốn và kỳ vọng năm 2016, có 75% số người được hỏi ở một số tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, cho biết họ mong muốn có “cuộc sống an toàn hơn, tội phạm, cướp giật giảm”.
Với tình hình như vậy, có thể hiểu vì sao lần đầu tiên trong kế hoạch phòng chống tội phạm của UBND TP.HCM năm 2016 đã thể hiện quyết tâm rất cao: sẽ thay thế lãnh đạo, chỉ huy yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Rõ ràng lâu nay, việc truy trách nhiệm cá nhân thường là một khâu rất yếu. Ví dụ như nạn trộm cướp khiến người dân bức xúc nhưng ở quận 3 lại chưa có cán bộ, chiến sĩ nào phải ra quân.
Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ cũng chỉ bị điều chuyển công tác hoặc cho về trực ban ngồi nghe điện thoại.
Chính vì vậy người dân cần thời gian để quan sát sự chuyển động sau quyết tâm của lãnh đạo thành phố.
TP.HCM đang khát vọng trở lại vị trí số 1. Kinh nghiệm thế giới cho thấy thương hiệu của một thành phố được tạo nên từ nhiều yếu tố, ví dụ như bề dày lịch sử, tầm nhìn của nhà quản lý, sự đồng lòng của người dân và môi trường sống.
Một thành phố bức xúc với nạn trộm cướp thì khó được coi là thương hiệu mạnh. Thành phố New York (Mỹ) từng lâm vào hoàn cảnh như vậy.
Trong thập niên 1970 và 1980, New York từng chứng kiến một số lượng lớn cư dân chuyển đi nơi khác do tình hình tội ác gia tăng. Việc kéo giảm tỉ lệ tội phạm trở thành cấp bách để lấy lại thương hiệu cho thành phố New York và cũng là cam kết tranh cử của các chính trị gia ở thành phố này.
Khi Rudy Giuliani được bầu làm thị trưởng New York vào năm 1994, ông mời Bratton - một nhân vật nổi tiếng trong giới cảnh sát về thành tích chống tội phạm với thuyết “cửa sổ vỡ” - về lãnh đạo Sở Cảnh sát thành phố New York.
Trong số các hành động để lập lại trật tự của Bratton, có một chiến dịch mới là thành lập các đội đặc vụ NYPD (Sở Cảnh sát New York) để đi “càn quét” trên đường phố. Nhờ cách truy xét và xử phạt nghiêm khắc, tỉ lệ phạm tội ở thành phố New York đã giảm đáng kể.
Người dân New York đã chất đầy những cây nguyệt quế để ca ngợi Rudy Giuliani và Bratton. Khi tỉ lệ phạm tội ở thành phố New York giảm xuống, thành phố này lại trở thành nơi đáng sống thể hiện qua sự bùng nổ dân số trong thập niên 1990.
Mặc dù lập được nhiều thành tích trấn áp tội phạm, không có nghĩa là Bratton có thể ngủ quên trên chiến thắng.
Sau một thời gian tình hình tội phạm ở New York trở lại phức tạp, cùng với một số lý do khác, Bratton đã phải từ chức vào năm 1996 và chuyển đến Sở Cảnh sát Los Angeles. Năm 2013, Bratton lần thứ hai được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo Sở Cảnh sát New York.
Câu chuyện của người được mệnh danh “siêu cớm” Bratton phần nào cho thấy thương hiệu của thành phố liên quan mật thiết đến tỉ lệ tội phạm và thương hiệu đó không thể được xây dựng từ những lãnh đạo, chỉ huy yếu kém. Hoặc là tội phạm giảm hoặc là ai đó phải chịu trách nhiệm, phải bị thay thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận