23/07/2014 12:08 GMT+7

Cảnh giác với các chiêu lừa du khách ở Bangkok

HOÀNG HÀ MAI
HOÀNG HÀ MAI

TTO - Các câu chuyện về lừa đảo ở Bangkok (Thái Lan) đã được cảnh báo từ khá nhiều năm nay với rất nhiều hình thức khác nhau. Có thể đơn giản như bịa ra một câu chuyện nào đó, nhưng với cách diễn đạt còn hơn cả các nghệ sĩ trong phim, những du khách non kinh nghiệm đều có thể mắc bẫy.

Chuẩn bị trước cho bản thân kiến thức về những kiểu lừa đảo này sẽ giúp bạn bảo vệ mình tốt hơn trong chuyến đi.

1YpM2vP5.jpgPhóng to
Thuyền chở khách du lịch trên sông Chao Phraya với các điểm đến phổ biến thường là cái bẫy cho du khách di bụi - Ảnh: V.N.A.

1. Đi vòng vèo

Tuk-tuk là phương tiện phổ biến nhất với khách du lịch. Cánh tài xế thường chở khách đi vòng vèo từ phố này sang phố khác. Khó chịu nhất là khi bạn nhận ra thời gian tham quan của mình đang trôi dần qua các cửa hàng bán đồ trang sức, đồ lưu niệm, quần áo… rồi cuối cùng dừng lại ở một chỗ lạ hoắc nào đó (thường sẽ cách trục phố chính Khao San vài quãng phố đi bộ). Về đêm, tình trạng này thường gặp hơn khi bạn muốn lang thang đến một quán bar nào đó, rồi bất thình lình nhận ra mình đang ở trên con phố đèn đỏ đầy gái gọi và lạc đường về.

Cách giải quyết tốt nhất là hãy gọi taxi có đồng hồ tính tiền hoặc chọn phương tiện công cộng chứ đừng đi tuk-tuk. Nếu gọi xe, hãy nhờ đại lý có uy tín gọi giúp cho bạn.

2. Kiểu lừa đảo “đồ hàng hiệu”

Hình thức này khá phổ biến ở khu vực quanh đường Khao San. Các cửa hàng và các đại lý du lịch trưng ra những món đồ đắt tiền nhưng giá khá rẻ, hoặc có mức khuyến mãi hời. Không có thời gian cân nhắc, du khách sẽ dễ mắc lừa khi tưởng rằng tìm được món hàng giảm giá. Những món đồ dễ thấy nhất là đồ trang sức, thời trang hàng hiệu hay đồ điện tử. Giá của chúng thấp hơn hẳn so với giá bạn thấy ở nhà. Sự kỳ diệu của du lịch là đây chăng? Tốt nhất là đừng tin. Những chiếc camera bạn mua ở trung tâm thương mại MBK có thể hỏng ngay sau vài tuần sử dụng.

Lời khuyên cho tình huống này là bạn đừng mua gì một cách vội vã, hãy dành thời gian tìm hiểu ở các cửa hàng xung quanh, hoặc qua những người từng mua trước đó.

MlyH0uQb.jpgPhóng to
Bangkok đầy các trung tâm thương mại, vì vậy hãy dành thời gian tìm hiểu ở các cửa hàng xung quanh trước khi mua những món hàng "giá rẻ bất ngờ" - Ảnh: V.N.A.

3. “Chùa đóng cửa”

Đây là kiểu lừa đảo mà du khách khó nhận ra nhất bởi những kẻ lừa đảo tổ chức rất chuyên nghiệp. Thường gặp ở khu vực chùa Wat Pho, Hoàng Cung hay ngay trên phố Khao San.

Bạn sẽ gặp, thậm chí có người chủ động đến nói chuyện với bạn. Những người này ăn mặc lịch sự, trông như các viên chức nhà nước hay nhân viên điểm du lịch. Họ sẽ nói với bạn rằng chùa, hoàng cung hay nơi bạn đang đến… hiện đóng cửa bởi một loạt lý do khá thuyết phục. Cách họ nói cũng rất đáng tin và khiến cho du khách không nghi ngại gì.

Và khi khách đã tin, đám lừa đảo sẽ giới thiệu một vài ngôi chùa hay điểm đến khác gần đó, rồi đề nghị chở bạn đến miễn phí, sau đó mua vé với giá phải chăng. Cái giá phải chăng đó gấp nhiều lần so với giá vé thật ở điểm du lịch.

4. Cờ bạc lừa tiền

Trong mỗi chuyến đi nếu có người dân địa phương nào mời bạn đến nhà và dùng bữa chẳng hạn, đó hẳn là sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời, đáng tự hào cho cả du khách lẫn chủ nhà. Thế nhưng ở Bangkok, đây lại là khởi đầu cho một kiểu lừa đảo đáng sợ nhất, khi kẻ lừa đảo dụ bạn cùng chơi cờ bạc hay dùng chất gây nghiện.

Ngay cả ở thủ đô nước mình, nếu một người xa lạ hoàn toàn mời bạn về nhà, bạn cũng sẽ cảm thấy nghi ngại. Vậy nên khi ở Bangkok, một thành phố lớn chứ không phải một ngôi làng nhỏ, bạn hãy lịch sự từ chối những lời mời kiểu này. Còn nếu đã nhận lời, bất kể bạn đi cùng ai hãy nhớ tránh tuyệt đối những trò chơi dính đến tiền hay cờ bạc.

Những thông tin về lừa đảo du lịch xuất hiện ở khắp các thành phố lớn chứ không chỉ riêng Bangkok. Khám phá và phiêu lưu luôn là một phần tất yếu của mỗi chuyến đi. Hãy trang bị cho mình càng nhiều kiến thức càng tốt để mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đẹp trong mỗi chúng ta.

QOmSkkty.jpg
Cảnh báo của cảnh sát du lịch Thái Lan dành cho du khách nước ngoài về các chiêu lừa phổ biến - Ảnh: Cảnh sát du lịch Thái Lan

Chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước

Trên nhiều diễn đàn du lịch trong nước, các thành viên đi Thái Lan gần đây cũng chia sẻ kinh nghiệm về chuyến đi của mình.

Chị Thanh Hương kể về chuyến đi Bangkok của mình trên diễn đàn baynhe.vn. Gia đình chị đến Hoàng cung tham quan thì gặp một người đàn ông nói là giáo sư, và là giảng viên từng có nhiều sinh viên Việt Nam. Người này nhiệt tình chỉ giúp chị và nói rằng Hoàng cung đang đóng cửa vì buổi sáng chỉ dành cho người Thái cầu nguyện, chiều mới mở cửa cho du khách. Sau đó lại khuyên chị nên đi tham quan xung quanh bằng thuyền, đến chiều hãy quay lại.

Gia đình chị được ông ta chỉ ra một xe tuk tuk gần đó nói là người quen. Nhờ vậy giá xe tuk tuk từ 100 THB giảm xuống còn 10 THB/người. Khi chở ra bến thuyền, sau một hồi mặc cả giá đi tham quan từ 1.200 THB/người giảm còn 600 THB/người. Chuyến đi ngắn ngủi trên sông Chao Phraya mà sau chị Hương nhận ra chỉ là nhánh nhỏ của con sông chính, kết thúc tại điểm đến mà ở đó bảng giá thuyền của bến ghi là chỉ có 20 THB/người. Vậy là cả gia đình chị đã bị lừa mất hơn 1.000THB.

Tương tự chị Hương, các thành viên khác cũng chia sẻ về việc có người giả là cảnh sát hết giờ làm để nói là khu tham quan đóng cửa, rồi hướng dẫn đi chỗ khác. Hay như trên đường Khao San ra Hoàng cung, có những người dúi những túi ngô nhỏ vào tay khách để cho chim ăn rồi đòi tiền 100 THB/túi.

HOÀNG HÀ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên