25/01/2015 12:43 GMT+7

​Cảnh giác nhưng không lo sợ

PHƯƠNG THÙY (từ Brussels)
PHƯƠNG THÙY (từ Brussels)

TT - Ngay sau chiến dịch chống khủng bố bắn hạ hai nghi can ở Verviers, lực lượng cảnh sát đã xuất hiện thường xuyên ở trước tòa nhà cơ quan nhà nước, trường học, nhà ga, khu vực trung tâm thủ đô nước Bỉ.

Cảnh sát Bỉ chở một nghi can khủng bố trên xe - Ảnh: AFP

Trái với vẻ mặt thân thiện, tươi cười hằng ngày, ánh mắt họ nhìn nghiêm trọng hơn và họ luôn cẩn thận quan sát xung quanh. Cũng không còn cảm giác gần gũi vì ai cũng mang súng trường, mặc áo giáp dày và mũ trùm gần hết mặt.

Anh Trung Hiếu, một người gốc Việt 29 tuổi, sang Bỉ từ lúc lên ba, cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy chiến dịch chống khủng bố thắt chặt đến thế. Nhưng anh khẳng định chắc nịch rằng không cảm thấy lo lắng và cũng không muốn cuộc sống của mình và gia đình bị thay đổi bởi mối lo khủng bố.

Theo khảo sát của báo Le Soir đầu tuần này, 72% người Bỉ đồng tình với sự hiện diện của cảnh sát ở nơi công cộng, 78% người nghĩ chính quyền cần đầu tư nhiều tiền bạc hơn để tăng cường an ninh và 89% người đồng tình cần có luật chống khủng bố.

Khi hỏi về phản ứng người dân sau vụ việc ở Verviers, 84% cho biết vẫn đi lại bình thường ở các thành phố lớn.

Chỉ có 23% cho biết cảm thấy sợ người Hồi giáo hơn và 24% tránh đến những nơi đông người.

“Tôi đã sống hơn 20 năm bình yên ở Bỉ. Khác với Mỹ, truyền thông ở đây không làm người dân hoang mang, sợ hãi” - anh Trung Hiếu nhận định. Anh kể rằng có một số bạn bè đạo Hồi, xuất thân từ những gia đình Morocco nhập cư sang Bỉ từ hơn 50 năm trước.

Anh cho rằng chiến dịch chống khủng bố mới đây làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn bè anh. “Tôi biết nhiều người Bỉ có cái nhìn lo ngại hơn với cộng đồng Hồi giáo”.

Còn anh Văn Nguyên, người gốc Việt 36 tuổi, chủ một tiệm phở ở Brussels, cũng cho biết không cảm thấy lo lắng về nguy cơ khủng bố hiện nay. “Cảnh sát đi tuần trong khu vực rất thường xuyên, trong tiệm có camera theo dõi suốt ngày nên chúng tôi cũng an tâm buôn bán”.

Có lẽ mang danh phận là người nhập cư nên cách nhìn vào tình hình của người gốc Việt có khác người dân Bỉ.

Ở Antwerp, thành phố lớn thứ hai của Bỉ, anh Bretch Mouton, một kỹ sư hóa 28 tuổi, cho biết đây là lần đầu tiên anh thấy nhiều binh sĩ và xe quân sự trên đường như thế.

Anh nhận định vấn đề Bỉ đang gặp phải là do trong quá khứ chính phủ chấp nhận nhiều dân nhập cư, bao gồm những người đạo Hồi. Anh thừa nhận những ngày này bản thân tránh tiếp xúc với những người nhập cư có điệu bộ nghi ngờ.

“Ở chỗ đông người, tôi tránh nói chuyện với người lạ. Càng tránh tiếp xúc thì bạn càng tránh nhiều phiền phức, phải không nào?” - anh hỏi mà như đã trả lời.

Một người xuất thân ở Verviers, bà Régine De Myers, 62 tuổi, cũng thấy chút gì đó thay đổi trong cuộc sống thường nhật.

“Quê tôi ở Verviers, nơi tập trung cộng đồng Hồi giáo. Tôi rất bất ngờ khi chị bạn cùng quê gọi điện thoại thông báo về việc hai kẻ khủng bố bị bắn chết ở đó. Tuy nhiên, chị bạn vẫn không có vẻ gì lo sợ và vẫn sống bình thường” - bà kể lại.

Bản thân bà thừa nhận giờ đây khi đi tàu điện ngầm, bà thường có thái độ cảnh giác với những người mang túi xách lớn. Tuy nhiên, do có cảnh sát ở khắp nơi nên bà vẫn cảm thấy an tâm ở nơi công cộng và vẫn đi lại, mua sắm bình thường.

PHƯƠNG THÙY (từ Brussels)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên