![]() |
Không nên dùng hộp xốp đựng thức ăn nóng và có dầu mỡ như thế này - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Kết quả kiểm nghiệm ngẫu nhiên hơn 10 mẫu các loại hộp xốp, hộp nhựa, chai lọ, túi xốp... do Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện và công bố ngày 31-3 cho thấy: mức độ thôi nhiễm chất độc hại trên các sản phẩm này ra thức ăn đều thấp hơn quy định. Tuy nhiên, 10 mẫu chưa nói lên được điều gì trong khi trên thị trường còn hàng chục, hàng trăm loại hộp nhựa, hộp xốp đựng thức ăn chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng và chưa được kiểm nghiệm theo quy định.
Giá rẻ, khó đảm bảo chất lượng
Tại chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội), khi hỏi mua hộp xốp đựng thức ăn, chủ sạp hàng kinh doanh dụng cụ gia đình đưa cho chúng tôi ba lựa chọn: hộp xốp một ngăn 300 đồng/chiếc, hộp xốp hai ngăn 400 đồng và hộp xốp ba ngăn giá khoảng 500 đồng/chiếc. Mỗi lô hàng gói 600 chiếc hộp đựng trong một túi nilông, không nhãn mác, bao bì. Chúng tôi thắc mắc, chủ hàng bảo: “Đến tôi bán hàng bao nhiêu năm cũng chẳng biết ai sản xuất. Quan trọng gì, người ta vẫn đựng thức ăn đầy ra đấy thôi”.
Tại TP.HCM, để tìm các doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi lần ngược theo đường đi của hộp xốp và ghi nhận hầu hết các hộp xốp loại thường dùng đựng cơm, bánh, thức ăn... đều không ghi xuất xứ, tên cơ sở sản xuất. Nguồn cung cấp hộp xốp cho TP.HCM và các tỉnh lân cận chủ yếu từ khu vực chợ Bình Tây, quận 6. Khi chúng tôi hỏi nguồn gốc các loại hộp xốp đang bày bán, nhiều người bán từ chối và cho rằng cũng chỉ mua qua trung gian nên không biết.
Trao đổi với chúng tôi chiều 31-3, kỹ sư Vũ Tân Cảnh - Trung tâm nghiên cứu các loại vật liệu Viện Khoa học và công nghệ VN - cho rằng việc đựng thức ăn trong cặp lồng bằng nhôm cứng như thời bao cấp mà nhiều người cho là cổ lỗ sĩ lại an toàn hơn so với thói quen dùng các vật dụng một lần rồi bỏ như hiện nay.
Vấn đề đặt ra là nếu không dùng hộp xốp thì sẽ có vật liệu nào thay thế với giá thành tương đương? Theo ông Cảnh, không có giải pháp thay thế tương đồng. Ở nước ngoài người ta đang sử dụng các đồ đựng thực phẩm một lần được sản xuất theo cơ chế của vỏ giấy mì gói chúng ta vẫn thấy. Hộp giấy có tráng một lớp nhựa mỏng bên trong an toàn hơn, nhưng giá thành chắc chắn sẽ đắt gấp 7-10 lần so với hộp xốp.
Ông Cảnh lo ngại dù kết quả kiểm nghiệm đã xác định các mẫu hộp xốp lưu thông trên thị trường đạt chuẩn thì với giá thành quá rẻ như hiện nay, loại hộp xốp này khó có thể làm bằng nhựa tinh chế. “Nếu là nhựa đủ tiêu chuẩn thì giá thành ít nhất cũng phải đắt bằng 3 lần giá hiện tại. Chưa kể cơ chế cấu tạo của hộp xốp khá đơn giản, tính cơ lý không cao, chất xốp có những khoảng trống, thức ăn ngấm vào sẽ không tốt. Việc vận chuyển các hộp xốp có kết cấu lỏng lẻo này cũng mang nguy cơ nhiễm khuẩn ngoại lai cao” - ông Cảnh cảnh báo.
Theo một lãnh đạo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, có ý kiến cho rằng không nên để thực phẩm nóng vào hộp vì thôi nhiễm cao hơn, nhưng nếu hộp không đạt chuẩn, thức ăn nguội vẫn bị thôi nhiễm.
Nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn cho biết theo quy định 46 về vệ sinh an toàn thực phẩm với đồ bao gói, chứa thức ăn, tất cả sản phẩm bao gói, chứa đựng thực phẩm đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm về mức độ thôi nhiễm chất độc hại ra thực phẩm.
Việc công bố sẽ được thực hiện tại các sở y tế địa phương. Tuy nhiên ông Khẩn thừa nhận nhiều loại túi xốp, hộp xốp, hộp nhựa... đang bày bán và sử dụng phổ biến để đựng thức ăn hiện nay chưa được công bố chất lượng, chưa rõ thành phần nguyên liệu, mức độ thôi nhiễm...
Theo ông Khẩn, tại Trung Quốc, quá trình sản xuất đồ nhựa chứa đựng thức ăn đã không polymer hóa hoàn toàn nguyên liệu, dẫn đến sản phẩm còn tồn các mẩu nhỏ monome có cấu trúc nhân vòng. Hiện chưa chứng minh rõ ràng khả năng gây hại của sản phẩm với sức khỏe, nhưng những sản phẩm có cấu trúc nhân vòng rất có khả năng gây ung thư, chưa kể ảnh hưởng từ kim loại nặng như cadimi, asen tồn dư. Đương nhiên những sản phẩm này không được lưu hành trên thị trường. Vì vậy người tiêu dùng phải cảnh giác trước những hộp nhựa, hộp xốp chứa đựng thức ăn chưa rõ về nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Khẩn cũng cho biết qua thông cáo từ cơ quan quản lý thị trường đường biên, sản phẩm hộp nhựa, hộp xốp cỡ nhỏ đựng thức ăn chín của Trung Quốc không vào VN (chủ yếu Trung Quốc chỉ bán sang VN hộp xốp to đựng trái cây). Tuy nhiên khảo sát này cho thấy thị trường các tỉnh đường biên tiêu thụ rất mạnh sản phẩm của Trung Quốc, kể cả những vật dụng nhỏ như giấy ăn, giấy vệ sinh, túi nilông, hộp đựng thức ăn chín.
Những loại hộp xốp, bao nilông dùng để chứa đựng thức ăn là loại bao bì được sản xuất từ những hạt PE nhưng người ta thường cho thêm phụ gia khác vào, như các chất làm nở, làm dẻo, dai, chất kết dính...để tăng độ bền của sản phẩm. Việc thôi nhiễm từ bao bì ra thức ăn chủ yếu là do quá trình cho thêm những chất phụ gia không đảm bảo tinh sạch vào trong quá trình sản xuất. Cần lưu ý là những loại hộp, bao gói có màu sắc bao giờ cũng có nguy cơ độc hại hơn những loại không màu (do nhà sản xuất dùng màu tổng hợp và những loại màu công nghiệp này thường có những chất nguy hại). Còn nói về loại bột khoáng có chất gây ung thư thì chỉ có thể là bột khoáng có nhiễm chất asen (thạch tín). Ngoài ra, nếu nhà sản xuất ẩu tả, ham rẻ có thể sẽ sử dụng những vật liệu phối trộn rẻ tiền, không tinh sạch. Những bột khoáng “bẩn” này thường có chứa nhiều kim loại nặng, độc hại như thủy ngân, chì, cadimi... Những chất này có thể gây ung thư, độc cho thần kinh, gan, thận... Nói chung với những loại hộp xốp, bao gói nilông dù có màu hay không màu cũng không nên dùng để đựng những loại thực phẩm quá nóng, thực phẩm có vị chua hay thực phẩm có dầu mỡ. Vì nhiệt độ, chất chua và mỡ sẽ tạo điều kiện cho chất độc (nếu có) từ hộp, bao gói thôi nhiễm, xâm nhập nhanh vào thực phẩm, khiến người thường xuyên ăn thực phẩm đựng trong hộp xốp, bao gói có nguy cơ bị ngộ độc mãn tính. Tức là những bột khoáng có chất độc hại nói trên có trong bao bì sẽ nhiễm từ từ và tích lũy dần trong cơ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận