06/04/2025 06:40 GMT+7

Cánh đồng hoang là bản hùng ca trữ tình, gói gọn tất cả triết lý dân tộc

Đó là chia sẻ của nhà phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, khi nói về Cánh đồng hoang trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt tối 5-4.

Cánh đồng hoang - Ảnh 1.

Cánh đồng hoang là một trong những phim điện ảnh kinh điển của màn ảnh Việt Nam - Ảnh: Tư liệu

Cánh đồng hoang là phim điện ảnh kinh điển của Việt Nam, ra mắt vào ngày 30-4-1979. Phim do NSND Nguyễn Hồng Sến đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết nhạc. 

Phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá như giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1980, huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva (Nga) 1981, giải đặc biệt của Liên đoàn báo chí Điện ảnh quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Maxcơva 1980...

Lấy bối cảnh vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, phim xoay quanh cuộc sống và sự kiên cường của gia đình Ba Đô (NSND Lâm Tới) và Sáu Xoa (Thúy An) cùng đứa con nhỏ.

Họ sống trong một căn chòi tạm bợ giữa cánh đồng ngập nước, mang trong mình nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tuyến đường dây liên lạc cho cách mạng, đồng thời phải đối mặt với những cuộc truy lùng ráo riết của trực thăng Mỹ.

Bản hùng ca trữ tình trong Cánh đồng hoang

Xuất hiện chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt phát trên VTV3 tối 5-4, nhà phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan khẳng định Cánh đồng hoang là một bản hùng ca trữ tình. 

Phim gói gọn tất cả những triết lý của dân tộc như chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, sự hy sinh, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam... đều thể hiện trong từng phân cảnh. 

Cánh đồng hoang - Ảnh 2.

Nhà phê bình điện ảnh, TS Ngô Phương Lan trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt - Ảnh: VTV

"Đó là triết lý của chúng ta qua bao đời nay mà Bác Hồ nhiều lần từng nói - "châu chấu đá xe". 

Hai vợ chồng anh Ba Đô, người du kích chỉ có chiếc xuồng nhỏ với đứa con chừng 5 tháng tuổi. Họ phải bảo vệ địa bàn của mình giữa cánh đồng hoang - một nơi khó duy trì sự sống và phải đối lập với một thế lực sắt thép tượng trưng cho thế giới văn minh, hiện đại. 

Thế nhưng, trong đó vẫn lấp lánh chất thơ, chất trữ tình, điều nó nằm trọn trong cuộc sống hằng ngày của vợ chồng anh Ba Đô" - bà đánh giá. 

Cánh đồng hoang - Ảnh 3.

Chất trữ tình trong Cánh đồng hoang trọn trong cuộc sống hằng ngày của vợ chồng anh Ba Đô - Ảnh: VTV

Theo TS Ngô Phương Lan, nếu không có sự hóa thân hoàn hảo và tài hoa của một nghệ sĩ lớn như NSND Lâm Tới thì Cánh đồng hoang và hình tượng người du kích giao liên sẽ không thể sống mãi cùng thời gian và trong trái tim hàng triệu khán giả. 

"Khó ai có thể làm một phim điện ảnh mà thể hiện trọn vẹn tại bối cảnh sông nước khó khăn như đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà quay phim Đường Tuấn Ba...

Đặc biệt, giai điệu giản dị mà đầy sâu lắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng khiến người nghe khắc khoải. 

Nếu không có những con người đó thì chắc chắn chúng ta sẽ không có một tác phẩm để đời như Cánh đồng hoang cho đến ngày hôm nay" - TS Ngô Phương Lan nhận xét. 

Quay Cánh đồng hoang cực nhưng vui

Dù đã trải qua 46 năm nhưng đối với nhà quay phim, NSƯT Bằng Phong, những ngày thực hiện Cánh đồng hoang là ký ức không thể quên. 

Năm 29 tuổi, nhà quay phim, NSƯT Bằng Phong bén duyên với Cánh đồng hoang. Đây cũng là phim đầu tay ông tham gia với vai trò là phó quay phim. Trong suốt sự nghiệp, ông có dịp hợp tác với đạo diễn Nguyễn Hồng Sến trong 9 bộ phim khác nhau. 

Cánh đồng hoang - Ảnh 4.

Nhà quay phim, NSƯT Bằng Phong cho biết quãng thời gian quay Cánh đồng hoang cực nhưng rất vui - Ảnh: VTV

"Đề tài chiến tranh là trong ruột mình ra mà nên khi làm thì thích lắm. Lúc đó còn trẻ, quay phim cực lắm nhưng vui. Dù bữa ăn lúc đó khô khốc, chẳng có thịt cá gì nhưng đi làm lúc nào cũng phơi phới" - ông hồi tưởng. 

Ông kể rằng thời điểm quay phim, cả đoàn chỉ có vỏn vẹn một máy quay. Ông và nhà quay phim Đường Tuấn Ba thay phiên nhau cầm và đỡ máy. Có những cảnh quay dù khó đến đâu cũng cố gắng quay một lần duy nhất. 

Khó khăn của Cánh đồng hoang không chỉ ở khâu quay phim mà còn là phần kinh phí hạn hẹp. Cũng trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt, ông Dương Minh Hoàng - phó chủ nhiệm phim tiết lộ Cánh đồng hoang được thực hiện chỉ với 300.000 đồng. 

Cánh đồng hoang - Ảnh 5.

Phó chủ nhiệm phim Cánh đồng hoang Dương Minh Hoàng tiết lộ phim chỉ có kinh phí 300.000 đồng - Ảnh: VTV

Với số tiền ít ỏi đó, cả đoàn làm phim đã phải tá túc trong một căn nhà bỏ hoang suốt quá trình quay, trải bạt để ngủ qua đêm. 

Ê kíp còn tận dụng tối đa cảnh quan thiên nhiên xung quanh như rừng tràm, ao sen, cánh đồng... làm bối cảnh. Đặc biệt, hầu hết các đạo cụ trong phim đều được mượn thay vì thuê để tiết kiệm chi phí. 

Cánh đồng hoang - Ảnh 6.

Bối cảnh phim, đạo cụ trong Cánh đồng hoang đều tận dụng có sẵn hoặc mượn thay vì đi thuê để tiết kiệm chi phí - Ảnh: Tư liệu

Lắng nghe câu chuyện của nhà quay phim Bằng Phong, phó chủ nhiệm Dương Minh Hoàng, TS Ngô Phương Lan bày tỏ khâm phục trước nỗ lực và tinh thần của các nhà làm phim thời kỳ trước. 

"Đó là thời quá khứ vàng son. Trong thời kỳ chiến tranh hay bao cấp, các nhà làm phim không bao giờ đòi hỏi gì. Đối với họ, được làm phim, được đóng góp là một sự vinh quang. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho tác phẩm của mình. 

Đó là lý do mà chỉ với 300.000 đồng mà họ vẫn có thể làm nên một tác phẩm đồ sộ, có sức sống lâu dài" - bà Phương Lan cho biết. 

Cánh đồng hoang là bản hùng ca trữ tình, gói gọn tất cả triết lý dân tộc - Ảnh 8.Ngày lễ Thánh: Chuyện làm phim thời 'ông bà anh' khổ mà hay

Phim Ngày lễ Thánh được ghi hình năm 1975, chiếu rạp năm 1976. 50 năm trôi qua, NSND Như Quỳnh và Viết Liên đã có dịp cùng ngồi lại với nhau, ôn kỷ niệm trong chương trình Cine7 - ký ức phim Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên