10/03/2010 21:23 GMT+7

Từ Cánh đồng hoang nghĩ về điện ảnh Việt xưa và nay

MAI QUỐC ẤN 
MAI QUỐC ẤN 

TTO - Tôi xem Cánh đồng hoang - bộ phim được xem là một trong những phim xuất sắc nhất thế kỷ 20 của điện ảnh Việt Nam - từ khi còn rất nhỏ.

YlZ18gZG.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim Cánh đồng hoang - Ảnh tư liệu

Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình du kích Ba Đô (diễn viên Lâm Tới đóng) giữa vùng Đồng Tháp Mười. Những thước phim cứ như “rót” vào mắt khán giả để bên lồng ngực trái cứ căng đầy, nghèn nghẹn. Cảnh Ba Đô cười sảng khoái khi bắt con trăn giữa ruộng, cảnh Ba Đô tát vợ khi đứa con nhỏ rớt khỏi chòi xuống nước, cảnh Ba Đô cùng vợ bọc con vào túi nilông lặn xuống nước tránh trực thăng địch đi càn… Những thước phim của ngày xưa tái hiện cuộc sống - chiến đấu của con người Đồng Tháp Mười - con người Nam bộ - con người Việt Nam một cách chân thực nhất, nhân bản nhất.

Xem Cánh đồng hoang có những đoạn phim làm người xem… nổi gai ốc, cứ như một dòng điện chạy dọc sống lưng. Tôi tự hỏi: sống trong nguy hiểm, đạn bom lại thiếu thốn đủ thứ sao họ sống chí nghĩa, chí tình quá, anh hùng quá và gần gũi đến vậy?

Đôi khi tôi so sánh, Cánh đồng hoang và vô số bộ phim Việt được ra đời từ thời phim “mì ăn liền”, phim theo công nghệ sản xuất hàng loạt, phim cho tuổi teen… bây giờ mà thấy ngậm ngùi. Nếu Cánh đồng hoang là một bộ phim kinh điển thì có bao nhiêu bộ phim bây giờ được đánh giá đúng tầm của khái niệm kinh điển? Cánh đồng hoang là một cột mốc, một biểu tượng không thể thay thế nhưng quy luật vận động và phát triển của đời sống xã hội cần có thêm những biểu tượng mới, điều mà điện ảnh Việt Nam bây giờ “tìm đỏ con mắt” mà xem ra khó thấy.

Cánh đồng hoang ngày xưa được dựng lên trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề, thiếu thốn vô cùng. Phim ảnh bây giờ được đầu tư hoành tráng với những phim trường từ ta tới Tây, Tàu. Diễn viên Lâm Tới và đoàn làm phim quay Cánh đồng hoang trong căn chòi tạm bợ, giữa vùng Đồng Tháp Mười “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. Họ đóng phim bằng trải nghiệm của những người từng đi qua chiến tranh, bằng vốn liếng từ hạnh phúc gia đình và hạnh phúc bảo vệ gia đình, bảo vệ xóm làng, đất nước để có những vai diễn đi vào lòng khán giả sao mà tự nhiên, mà thân thương vô hạn.

Các diễn viên nam, nữ bây giờ đóng vai tài nam, mỹ nữ trong những ngôi biệt thự, đi trên những chiếc xe sang trọng và có vô số điều kiện để diễn xuất nhưng hình như vẫn thiếu cái hồn của những người đã trải nghiệm thật sự̣, thử thách thật sự để toát lên cái thần của mỗi kịch bản.

Điện ảnh Việt Nam đã, đang và sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục trong quá trình phát triển của mình. Những bộ phim hàng trăm, hàng nghìn tỉ có thể nối tiếp nhau ra đời, những diễn viên nổi tiếng không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh mà còn là hài kịch, ca nhạc, thể thao… sẽ tiếp nối nhau bằng nhiều vai diễn. “Cứ đi sẽ thành đường…”, ai đó đã nói vậy. Nhưng hi vọng những con người của điện ảnh nước nhà hôm nay hãy đi bằng cảm xúc chân thật của mình như những diễn viên đã từng làm Cánh đồng hoang trở thành bất tử trong tâm thức của những người yêu điện ảnh Việt.

“Hò…ơi…ơi…Ngó trên trời, trời cao lồng lộngNgó xuống đất, đất rộng mênh mông…”

sBT6OrYT.jpgPhóng to
Thúy An trong phim Cánh đồng hoang - Ảnh tư liệu

Tình yêu giữa triền miên sông nước

Lấy bối cảnh là những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, phim xây dựng hình tượng con người anh hùng trong thời chiến, mà tiêu biểu là đôi vợ chồng Ba Đô (do diễn viên Lâm Tới và Thúy An đảm nhiệm) sống giữa cánh đồng nước vùng Đồng Tháp Mười. Họ quyết tâm bám trụ mảnh đất, dù nó có là mảnh đất hoang và mênh mông nước. Họ gieo nên một cánh đồng lúa dù đêm phải gặt vội, ngày bị giặc cày xới điên cuồng. Phim khiến tôi xúc động bởi tình yêu chân chất của đôi vợ chồng dành cho nhau và hơn thế là tình yêu mà họ dành cho mảnh đất quê nhà.

Ba Đô là nhân vật nam chính trong phim có tính tình cương trực thẳng thắn, nói năng cộc cằn nhưng tình cảm thật thà. Có lẽ vì thế mà Ba Đô lấy được người vợ hiền lành hiểu mình. Nên nghĩa vợ chồng giữa thời buổi loạn lạc, họ trụ lại giữa cánh đồng bốn bề là nước để làm trạm trung chuyển, liên lạc cho bộ đội.

Phải nói thêm rằng Ba Đô là một người yêu thương vợ con hết mực. Cái cách Ba Đô dỗ dành con của mình nghe dậy lên một tình yêu to lớn, bao la “nín, nín đi con”, “ba sẽ làm cái trống đánh cho con chơi nha!” (lúc Ba Đô bắt được con rắn). Hóa thân vào vai đôi vợ chồng, diễn viên Lâm Tới và Thúy An khiến người xem lúc khắc khoải, khi bàng hoàng, đến chất chứa yêu thương bởi cách thể hiện tình cảm quá xuất sắc của họ.

Sự sống nảy mầm từ trong những yêu thương

Khung cảnh trong phim đậm chất Nam bộ, từ sông nước Đồng Tháp Mười với những bông súng, bông điên điển đến cách nói chuyện, đối đáp giao duyên bằng hò. Phim tái hiện những năm tháng chiến tranh gian khổ thông qua hình tượng vợ chồng Ba Đô và đứa con thơ từng ngày phải đấu tranh để giành đất sống và quyền sống.

Trong phim có nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, giữa một bên là gia đình nhỏ bé với một bên là sức mạnh lực lượng, vũ khí tối tân của giặc; một bên là tiếng gào khóc của đứa trẻ với một bên là tiếng gầm rú của máy bay phản lực. Giữa sức mạnh nhỏ bé nhưng ý chí phi thường so với sức mạnh được nuôi từ lòng dã tâm thì liệu rằng bên nào sẽ thắng?

Sự đồng lòng, chung sức của gia đình Ba Đô khiến bọn địch phải khiếp sợ. Chính chúng phải đặt ra câu hỏi: “không thể hiểu được vì sao tên này có thể sống trên cánh đồng nước như vậy?” và khẳng định một cách sợ sệt: “Cánh đồng hoang vẫn còn sự sống của một con người”.

Cánh đồng hoang khơi gợi tình yêu và niềm tin vào cuộc đời. Và sống là học cách thích nghi để tồn tại. Đó là cảm nhận của tôi sau khi xem xong bộ phim này. Cánh đồng hoang được dàn dựng dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Hồng Sến cùng dàn diễn viên xuất sắc Lâm Tới, Thúy An.

Những cảnh quay với kỹ thuật đơn sơ (không cần nhiều kỹ xảo như bây giờ) đã khắc họa chân thật cuộc sống và sự đấu tranh của con người. Chính sự giản đơn nhưng sâu sắc, ý nghĩa đó đã mang lại cho bộ phim những giải thưởng danh giá nhất lúc bấy giờ như Giải vàng LHP quốc tế Matxcơva 1981, Giải Bông sen vàng LHP Việt Nam 1980.

Mời bạn đọc tham gia viết về những bộ phim Việt Nam yêu thích

Nhằm hưởng ứng Ngày điện ảnh Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức (15-3), giải Cánh diều vàng 2010, và cũng là dịp tôn vinh những bộ phim điện ảnh Việt Nam, TTO mời bạn đọc tham gia viết về những ấn tượng, bài học, giá trị mà những bộ phim điện ảnh Việt Nam đã mang lại cho bạn.

Mỗi tác giả có quyền gửi nhiều bài viết, mỗi bài viết dài khoảng 500 - 1.000 chữ. Bài viết phải được viết bằng tiếng Việt. Những bộ phim được đề cập phải là những bộ phim điện ảnh Việt Nam (không viết về phim truyền hình).

Thời gian nhận bài viết từ ngày 8 đến hết 15-3-2010.

Bài viết xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn; tiêu đề ghi: tham dự chuyên mục “Viết về những bộ phim điện ảnh yêu thích”. Dưới bài viết vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc... để chúng tôi tiện liên hệ.

Bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ Online sẽ được trả nhuận bút.

MAI QUỐC ẤN 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên