Phóng to |
Ngoại trưởng Mỹ W.Rogers (ngồi thứ ba, từ trái sang) đang đặt bút ký Hiệp định Paris - Ảnh: R.L.Knudsen |
Ta không bao giờ nhân nhượng chuyện Mỹ phải rút quân, còn việc với chính quyền Sài Gòn thì có thể có một hình thức nhân nhượng nào đó để ký được hiệp định. Mỹ rút thì tương quan lực lượng sẽ thay đổi rất nhiều. Vì thế tinh thần của việc chuẩn bị ký hiệp định là ở miền Nam sẽ tồn tại hai chính quyền song song, hai lực lượng quân đội và hai vùng kiểm soát. Chúng tôi được truyền đạt những điều đó ngay từ lúc đang chuẩn bị những văn bản cuối. Lúc bấy giờ chị Bình và các anh chị trong đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời buồn lắm. Chị Nguyễn Thị Chơn, sang thay chị Đỗ Duy Liên, nói rằng như vậy nghe không được. Bao nhiêu khẩu hiệu mình đòi đánh đổ chính phủ Sài Gòn, giờ mình giữ nó lại, hai bên vẫn phải ngồi bàn này khác... Nhưng về sau, khi bên nhà nói rõ được mục đích và ý tứ của mình thì chúng tôi thông suốt lắm, đến lúc ký không có chuyện tâm trạng buồn nữa, ký kết được hiệp định rất vui.
Tuy thế, mấy hôm trước lễ ký thì bọn chúng tôi làm rất cực. Sau khi xong bản ký tắt của ông Lê Đức Thọ với ông Kissinger, hai bên phân công việc in văn bản. Việt Nam dân chủ cộng hòa in các văn bản bằng tiếng Việt, còn phía Mỹ in các văn bản bằng tiếng Anh. Và bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng ngôn ngữ đàm phán là tiếng Pháp nên phải dịch ra tiếng Pháp, y như lúc thương lượng. Hôm 24 hay 25, chúng tôi qua nhà in nhỏ của một Việt kiều yêu nước, ông Trần Quang Khải. Mình in một hiệp định lớn mà trời ơi, văn bản lộn xộn đến mức có một số đoạn in bản tiếng Việt thì như thế này mà bản tiếng Pháp lại khác đi. Ví dụ, có văn bản ghi rõ tên bốn bên ký, nhưng có văn bản chỉ ghi Hoa Kỳ và các bên Việt Nam.
Phóng to |
Cái bắt tay này đã kết thúc chuỗi mật đàm kéo dài ba năm giữa ông Lê Đức Thọ và H.Kissinger. Hai ông được trao giải Nobel hòa bình năm 1973, nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải - Ảnh: Getty Images |
Tôi nhớ là lúc đầu chỉ phân công mấy anh ở bên đoàn miền Bắc làm chính, bên đoàn miền Nam chúng tôi có mấy người nhưng để đọc dò lại câu chữ thôi. Nhưng đến khi rối lung tung beng, ông Nguyễn Cơ Thạch và ông Phan Hiền phải kéo quân xuống nhà in. Bọn tôi mất hết ngày trời, sắp đưa ra ký chính thức rồi mà đêm đó văn bản vẫn còn chưa đâu vào đâu. Thậm chí Kissinger còn nói đùa với ông Nguyễn Cơ Thạch là nếu chúng ta không in được bản này thì cả tôi với ông “bay đầu” và chuyện sẽ phức tạp vô cùng. Về sau chúng tôi nói “giờ nên giao lại cho một người có kinh nghiệm nhất đọc lại văn bản”, thế là giao cho anh Đặng Nghiêm Bái. Ông ấy tiếng Anh giỏi, tiếng Pháp giỏi và cả tiếng Việt cũng giỏi. Ông ngồi bình tĩnh làm, có khi mấy người cùng giúp ông chỗ này chỗ khác thì cuối cùng mới xong những văn bản này.
Phóng to |
Trao trả tù binh là công việc được thực thi ngay sau Hiệp định Paris. Trong ảnh: các chiến sĩ quân giải phóng khiêng một tù binh Mỹ bị thương đến điểm trao trả, tại Lộc Ninh 1973 - Ảnh: Herman Kokojan |
ĐỨC TUỆ - THANH HUYỀN ghi
Ngày 20-1-1973, Nguyễn Văn Thiệu cử Vĩnh Lộc - trung tướng - cầm đầu phái đoàn quân sự Sài Gòn đi Paris. Ngày 21-1-1973, Trần Văn Lắm - tổng trưởng ngoại giao chính quyền Sài Gòn - “hấp tấp” bay tới Paris, chuẩn bị ký kết hiệp định. Ngày 23-1-1973, tại cuộc mật đàm thứ 24 - cuộc mật đàm cuối cùng của tiến trình đàm phán về Việt Nam giữa cố vấn Lê Đức Thọ và tiến sĩ Henry Kissinger, kéo dài gần ba năm từ tháng 2-1970, hai bên đã hoàn thành và cùng ký tắt vào bản văn hiệp định. 11 giờ (giờ Paris), ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, đại lộ Kleber, Paris, đại diện bốn bên, gồm: Bộ trưởng ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh; Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ William P. Rogers và Trần Văn Lắm - tổng trưởng ngoại giao chính quyền Sài Gòn, cùng ký kết vào hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trước sự đón chào của hàng vạn người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. |
Hôm 23-1 phiên họp riêng cuối cùng, chỉ có ông Lê Đức Thọ, ông Xuân Thủy, Kissinger và một số người nữa, sau đó là lễ ký tắt hiệp định và trao bút cho nhau. Mấy hôm trước, tôi đã cùng một anh trong đoàn đi ra phố mua cả hộp bút phớt. Tôi nhớ là lúc ký tắt thì cứ ký một văn bản xong lại thay bút, anh em chúng tôi giữ để còn đưa vào bảo tàng, đưa Bộ Ngoại giao, rồi giữ kỷ niệm. Tôi cũng từng giữ được một cây nhưng sau Lưu trữ trung ương lấy mất! Hôm ký tắt cười ra nước mắt. Phía Mỹ thì hiện đại, ký xong đóng dấu ngay, họ có một cái máy, gí vào chì là xong. Còn bên mình, có một ông mang cái xoong khuấy bột trẻ con đến, ông ấy lấy tờ tin, đốt ngay ở trong phòng hội nghị quốc tế để làm chảy xi ra, rồi mới đóng dấu được. Tôi không dự lễ ký chính thức hôm 27-1 vì ngày 26 tôi theo đồng chí Lê Đức Thọ về Mạc Tư Khoa. Ngay tối hôm đó, Liên Xô tổ chức mittinh hoành tráng ở nhà Công đoàn, có các nhà lãnh đạo Liên Xô đến dự. Máy bay đưa ông Thọ về lại quay sang Paris đón ông Nguyễn Duy Trinh, rồi cả đoàn cùng về nhà. Đi qua Trung Quốc thì vào đúng tết ta. Ông LƯ VĂN LỢI(thư ký cố vấn Lê Đức Thọ) |
____________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Hội đàm Paris - đường tới hòa bình Kỳ 2: Căng thẳng Sài Gòn - Washington Kỳ 3: Hoặc hợp tác, hoặc... chấm hết! Kỳ 4: Bước ngoặt lịch sử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận