Chốt chặn người đi xe máy tại cửa ngõ vào nội ô TP Rạch Giá ở phường Rạch Sỏi - Ảnh: K.NAM
Theo CDC Kiên Giang, ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này hiện có 15 ca (trong đó có 1 nhân viên y tế). Từ ổ dịch này đã lây lan ra huyện Gò Quao 9 ca; An Minh 6 ca. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng vừa phát hiện các ca F0 liên quan Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang gồm Giồng Riềng 1 ca; Rạch Giá 1 ca; U Minh Thượng 1 ca; Châu Thành 3 ca.
Tại huyện Gò Quao, vợ chồng bà P. và ông L. bị nhiễm từ trường hợp tiếp xúc với F1 là ông B. nằm điều trị ở khoa ngoại - tiết niệu Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, đã lây lan cho 9 người tại địa phương ở xã Thới Quản và 2 người ở xã Hòn Tre, huyện đảo Kiên Hải (nơi ông L. làm việc).
Ông L. cũng đã đi dự đám giỗ, tiếp xúc với nhiều người khi uống cà phê và hiện đang truy vết.
Tại huyện Vĩnh Thuận, ổ dịch hình thành từ việc tài xế xe tải chở hàng về từ vùng dịch TP.HCM đến nay đã có 19 ca nhiễm. Trong số này có 1 ca ở ngay chợ trung tâm của cả huyện nên khả năng lây nhiễm rất cao.
Ông Hà Văn Phúc, giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, lưu ý các địa phương phải làm tốt việc truy vết, bởi người dân ở nông thôn đi lại phức tạp. Chẳng hạn như có trường hợp đi đám tang xong mới dương tính với SARS-CoV-2, đám tang không nhận phúng điếu nên rất khó để truy vết vì không nắm được những ai đã tới viếng.
Đại tá Đỗ Triệu Phong, giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho hay ngay đêm đầu tiên giãn cách toàn tỉnh theo chỉ thị 16, ông đã đi khảo sát và thấy rằng lượng xe gắn máy đi lại trên đường rất đông.
Trên các tuyến quốc lộ, người đi xe máy liên huyện rất nhiều, lại không hề bị chốt chặn, kiểm soát. Đại tá Phong đề nghị nên thiết lập chốt chặn liên huyện.
Ông Phong đề xuất biện pháp "rào cứng" giữa các huyện bằng hàng rào có thể kéo ra kéo vào dễ dàng. Để khi có xe chở hàng hóa lưu thông thì cho đi, còn xe máy thì phải chặn lại làm thủ tục, khai báo y tế, có lý do chính đáng mới được đi tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận