02/08/2017 18:33 GMT+7

Cảnh báo đến năm 2020 không còn cát để xây dựng

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết như vậy trong buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2017 của Bộ Xây dựng.

thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì họp báo - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì họp báo chiều 2-8 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo báo cáo Bộ Xây dựng, từ tháng 4-2017, giá cát xây dựng có hiện tượng tăng đột biến với biên độ từ 50-200% so với tháng 3-2017.

Nhu cầu 2,3 tỉ m3 cát, trữ lượng còn 2 tỉ m3

Nguyên nhân là do lệch pha cung cầu, một số đơn vị, đầu mối cung cấp cát tại một số địa phương đầu cơ tích trữ, các chủ dự án và chính quyền địa phương còn bị động trong việc cân đối nguồn cung, việc sử dụng vật liệu thay thế cát còn hạn chế.

Ông Bắc cho biết tổng hợp báo cáo của 49 địa phương đến hết năm 2016, tổng trữ lượng cát sỏi đã cấp phép khai thác là 691.516 triệu m3.

Còn theo số liệu điều tra, nhu cầu về cát xây dựng gồm: cát san lấp, cát dùng cho đổ bê tông, cát xây trát giai đoạn đến năm 2015 khoảng 50-60 triệu m3 mỗi năm.

Nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỉ m3 cát.  Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỉ m3.

Ông Bắc khẳng định, với mức độ sử dụng cát như hiện nay thì đến năm 2020 không còn cát để dùng cho công trình xây dựng.

Theo ông Bắc, một trong những nguyên nhân thiếu cát là những năm vừa rồi lượng cát ở các dòng sông giảm do đập thủy điện, thủy lợi làm hạn chế nguồn cát bồi.

Thời gian qua, việc khai thác cát lậu xảy ra ở nhiều địa phương nên Chính phủ siết chặt công tác quản lý, khai thác khiến sản lượng khai thác giảm, nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh lượng cát phục vụ xây dựng rất ít so với nhu cầu nên giá cát tăng lên, phải chuyển cát từ miền Trung về cung cấp.

Khai thác cát trái phép trên sông Đà, Hòa Bình - ẢNH: Lâm Hoài
Khai thác cát trái phép trên sông Đà, Hòa Bình - Ảnh: Lâm Hoài

Về việc một số tỉnh quy định không được chuyển cát hàng hóa ra khỏi địa phương, ông Bắc cho biết tháng 3-2017 Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu UBND cấp tỉnh bãi bỏ quy định cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương.

Đề xuất sử dụng tro xỉ, thạch cao

Theo ông Bắc, cát là khoáng sản nên địa phương nào quy định không vận chuyển cát ra khỏi địa bàn tỉnh là không đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Bắc cho biết ngày 9-6-2017, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng  về tình trạng thiếu hút cát và giải pháp khắc phục.

Để thay thế cho 70-80% lượng cát xây dựng đang dùng vào việc san lấp, Bộ Xây dựng đã đề xuất sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện để thay thế theo đề án mà Thủ tướng đã ban hành.

Với công trình dùng vốn nhà nước phải có tiêu chuẩn về vật liệu mới được thi công nên Bộ Xây dựng đang xây dựng tiêu chuẩn, định mức cho vật liệu thay thế cát san lấp, dự kiến cuối năm 2017 ban hành.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tăng cường sử dụng các vật liệu khác như đất, phế thải công nghiệp làm vật liệu san lấp, thay thế cát sông.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng cát xay từ đá dùng cho đổ bê tông như nhiều nước đang thực hiện.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên