Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Năm 2011, khi tôi mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, trong khi bạn bè vẫn còn chạy khắp nơi nộp hồ sơ xin việc nhằm kiếm một ngôi trường công lập để dạy học, tôi nộp hồ sơ và xin vào làm giáo viên quản nhiệm tại một trường tư thục tên QT ở quận 6, TP.HCM vì một lý do đơn giản: tiền lương.
Trong hơn một năm rưỡi tôi làm việc ở đây, ngôi trường này, cụ thể là học sinh trong ngôi trường này, đã cho tôi học quá nhiều điều, những điều theo tôi chắc không thể thấy và được học trên giảng đường đại học, và tất nhiên không tiền lương nào mua nổi những giá trị đó.
Được phân công làm giáo viên quản nhiệm lớp 11 và ở trong trường 24/24 giờ để quản lý sinh hoạt của học sinh nội trú, một sinh viên mới ra trường, trẻ tuổi, dễ bốc đồng, thiếu kinh nghiệm... như tôi có những lúc tưởng chừng mình không thể kiềm chế được trước những cư xử vượt quá xa sự cho phép về tính phép tắc, lễ nghi chúng ta hay thấy trong trường công của những cô chiêu cậu ấm học trò trong ngôi trường tư thục này.
Việc đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng, kìm nén cơn tức giận luôn lặp đi lặp lại từ khi học trò mở mắt tới khi học trò đi ngủ là chuyện đã thành “kinh niên”. Chuyện học sinh trong trường hù họa giáo viên là chuyện rất chi là... bình thường.
Có lần do mâu thuẫn với giáo viên, một số em học sinh trong trường đã âm thầm gửi một hộp giấy được gói kỹ vào phòng bảo vệ trường, trên hộp có dán tờ giấy ghi “Gửi thầy T.”.
Khi hộp giấy được đưa tới thầy T. (một thầy quản nhiệm trong trường), mở ra thì tôi tá hỏa khi nhìn thấy một con dao Thái Lan mới toanh, kèm tờ giấy ghi mấy chữ nguệch ngoạc: “Mày là thầy T. phải không, mày cẩn thận mạng của mày”.
Và trước đó, chính thầy này cũng đã bị các em trong phòng nội trú chọi trứng lúc nửa đêm, hay xịt tương ớt vào giày, lấy dao rọc chi chít yên xe... buộc thầy phải chuyển cả phòng nội trú ra ở riêng một phòng khác.
Trong lớp tôi chủ nhiệm có hai em học trò nữ tên T. và Tr., đây chính là hai em đã được cha mẹ xin nhà trường đừng đuổi lần thứ... tư khi họ đã quỳ xuống xin ban giám hiệu nhà trường cho các em tiếp tục việc học.
Hai trò nữ này được các học sinh trong trường gọi là “chị”, vì đây chính là hai trò nữ nổi tiếng quậy phá nhất trường, sẵn sàng bợp tai dằn mặt bất kỳ ai dám láo với “chị”. Cả hai trò nữ này nhà đều ở miền Tây, do bố mẹ làm ăn buôn bán không có thời gian chăm sóc nên đã đưa vào đây cho học và nhờ nhà trường quản lý.
Một ngày kia, đang trong giờ học, khi thời gian còn nửa tiếng nữa là kết thúc buổi học sáng cuối tuần, cha mẹ từ quê lên đón các em về, hai em này tự động đứng dậy và mang balô ra khỏi lớp mà không hề xin phép giáo viên, mặc dù có cả tôi và giáo viên đang dạy trong lớp.
Khi tôi hỏi sao các em lại về thì nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Tôi thích về”. Tôi liền nói: “Các em không được về, còn nửa tiếng nữa mới hết giờ!”.
Các em im lặng không thèm để ý lời tôi và tiếp tục bước đi khệnh khạng, tỏ vẻ thách thức.
Lúc này trong người tôi bắt đầu nóng lên, tuy nhiên bản năng và chút ít kinh nghiệm đã mách bảo tôi rằng: hãy hết sức bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Dằn hết hơi, lấy bình tĩnh và tôi gọi các em với thái độ nhẹ nhàng: “T., Tr., các em khoan đi đã!”.
Không biết thế nào, sau tiếng gọi của tôi thì các em đã đứng lại và quay mặt lại phía tôi.
“Hai đứa lại đây thầy nói chuyện tí - tôi nói giọng nhẹ nhàng và gương mặt tỏ vẻ nghiêm khắc - Nghe thầy nói, từ khi thầy vô đây quản nhiệm mấy đứa, có khi nào thầy đã có hành động xúc phạm hoặc làm tổn thương mấy đứa chưa?”.
“Mấy đứa biết sao không, đó là vì thầy rất tôn trọng mấy đứa, có hiểu không?” - tôi nói và cảm nhận, quan sát sự lắng nghe của hai em này.
“Thế thì thế này, bố mẹ mấy đứa đã tới rồi, giờ học chưa hết, nếu mấy đứa có tôn trọng thầy, tôn trọng lớp thì bây giờ hãy tiếp tục vô lớp, đó là tôn trọng kỷ luật, và thầy sẽ xuống ngồi với bố mẹ tới khi mấy đứa ra về, có được không?” - tôi vẫn nói bằng tâm can của mình với các em.
“Vô mày” - sau một hồi im lặng, một trong hai em đã nói với em kia, và cả hai cùng trở vào lớp học.
Nhìn các em vào lớp, tôi đã không tin vào mắt mình nữa, tôi vừa làm một việc gì thế này, sao tôi lại rất vui?
Từ sau câu chuyện đó, thật sự trong thâm tâm tôi chưa bao giờ thấy vui như vậy, tôi đi dạy kèm từ khi năm nhất đại học, chưa khi nào tôi cảm thấy thành công như thế, ít nhất là về góc độ giáo dục các em làm một người học trò có nhân cách và biết suy nghĩ.
Đây chỉ là một trong vô số vấn đề tôi phải đối mặt trong môi trường làm việc của một trường tư thục. Cho tới bây giờ khi chuyển công tác về quê, dù chưa lập gia đình nhưng tôi vẫn luôn luôn tâm niệm suy nghĩ và áp dụng thái độ giáo dục này trong việc giáo dục các cháu của tôi.
Đây chính là kinh nghiệm của bản thân tôi, với học trò của chúng ta, chúng ta hãy tôn trọng các em, chúng ta sẽ được nhiều hơn thế.
Từ ngày 11 đến 21-4, chuyên mục "Giáo dục dưới mắt mọi người" và "Câu chuyện giáo dục" đã nhận được bài viết của các tác giả: Nguyệt Hàn, Liên Nguyệt (Hà Nội), Vũ Duy Yên (Thái Bình), Trọng Thức (Thanh Hóa), Đào Mạnh Long (Hải Phòng), Linh Cơ (Đà Nẵng), Trần Ngọc Đức Anh (Bình Thuận), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Đông Nguyễn (Vũng Tàu), Nguyễn Thị Xuân Mai (Đồng Nai), Vũ Thụy Phương Như, Nguyễn Ngọc Duy, Lê Phương Trí, Trần Văn Tám, Trần Thị Minh Nguyệt (TP.HCM), Lê Quang Huy (Tiền Giang), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Nguyễn Minh Nhị (An Giang), cùng các bạn đọc Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Hữu Dương, Phan Hồ Lê, Đặng Hoàng Diễm, Lê Quang Vũ...
Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. (TUỔI TRẺ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận