02/11/2012 07:30 GMT+7

Căng thẳng Indonesia - Malaysia về "người giúp việc"

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tờ quảng cáo rao bán hạ giá người giúp việc Indonesia ở Malaysia đang gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Indonesia. Quan hệ hai nước căng thẳng, hai chính phủ phải vào cuộc.

29C2s8eX.jpgPhóng to
Tờ quảng cáo rao bán “hạ giá người giúp việc Indonesia” gây phẫn nộ - Ảnh: theasian.asia

Vụ việc bắt đầu từ những tờ rơi quảng cáo được dán trên các thân cây ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 28-10 với nội dung: “Giảm giá người giúp việc Indonesia. Bây giờ thì việc nhà và chuyện bếp núc của bạn đã trở nên đơn giản. Bạn có thể nghỉ ngơi và thư giãn. Giảm giá 40%, chỉ còn 7.500 ringgit (2.457 USD). Đặt cọc 3.500 ringgit (1.146 USD)”.

Hình ảnh về tờ quảng cáo này sau đó đã được một nhà vận động vì quyền lao động nhập cư người Indonesia đưa lên mạng và nhanh chóng lan truyền khắp cả nước.

“Hoàn toàn không thể chấp nhận”

Chưa đầy 24 giờ sau khi được đưa lên mạng, mẩu quảng cáo này đã gây bức xúc cho các nghị sĩ và báo giới Indonesia. Liên minh hữu nghị các nhà báo Malaysia - Indonesia đã cực lực phản đối tờ rơi quảng cáo, cho đó là “buôn nhân lực Indonesia” và kêu gọi Chính phủ Malaysia điều tra vụ việc, xử lý những người liên quan. Các nghị sĩ đòi chính phủ tóm cổ ngay ai đã tạo ra tờ quảng cáo. Cư dân mạng Indonesia lập tức bày tỏ sự phẫn nộ.

“Hãy tẩy chay đi du lịch sang Malaysia. Họ đã trở nên thiếu tôn trọng người khác hơn” - một cư dân mạng tên Arifin Sutrisno viết trên Twitter.

Quan hệ hai nước cũng lập tức trở nên căng thẳng. Báo Jakarta Post dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa chỉ trích nội dung tờ rơi quảng cáo là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Ông cũng đã gọi điện cho người đồng cấp Malaysia để trách cứ. Người phát ngôn Bộ Lao động Indonesia Dita Indah Sari cũng tuyên bố không kém nặng lời: “Nói giảm giá người giúp việc Indonesia chẳng khác nào coi con người là hàng hóa. Điều này không thể chấp nhận được”.

Đại sứ Indonesia tại Kuala Lumpur cũng đã gặp một quan chức Bộ Ngoại giao Malaysia để truy hỏi ai là người chịu trách nhiệm về tờ quảng cáo này. Jakarta chỉ trích tờ quảng cáo đã hạ thấp phẩm giá người Indonesia và đi ngược lại biên bản ghi nhớ giữa hai nước về vấn đề người giúp việc.

Hai chính phủ vào cuộc

Vụ việc mới này đã thổi bùng trở lại ngọn lửa âm ỉ trong quan hệ hai nước sau một loạt vụ người giúp việc Indonesia bị chủ nhà Malaysia ngược đãi trước đó. Năm 2006, các vụ “ôsin” Indonesia bị đánh đập, hành hạ bằng búa, kéo, thậm chí là bàn ủi nóng liên tiếp xảy ra đến mức vào tháng 9-2006 Indonesia đã quyết định cấm đưa thêm người giúp việc sang Malaysia. Đến tháng 12-2011, lệnh cấm này mới được dỡ bỏ sau khi hai nước thông qua biên bản ghi nhớ tăng lương và có biện pháp ngăn chặn tình trạng ngược đãi đối với người giúp việc Indonesia.

Hiện có hơn 300.000 người giúp việc Indonesia đang làm việc tại Malaysia. Các quan chức Indonesia cho biết hằng năm họ nhận được hàng trăm đơn khiếu nại về tình trạng người giúp việc bị đối xử tệ, làm việc quá sức và không được trả lương. (AFP)

Vụ quảng cáo rao bán “ôsin Indonesia” mới gây phẫn nộ trong dư luận Indonesia cũng là điều dễ hiểu, và việc Chính phủ Indonesia phản ứng mạnh mẽ cũng cho thấy vấn đề này vẫn còn rất nhạy cảm.

Bộ trưởng lao động Malaysia Datuk Seri Dr S. Subramaniam lên án tờ quảng cáo và nhấn mạnh vụ việc có thể ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ song phương. “Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tìm ra người phải chịu trách nhiệm về các tờ rơi này”- ông Subramaniam tuyên bố và cho biết đang chỉ đạo điều tra và đưa những cá nhân liên quan ra xử lý theo Luật chống buôn người năm 2007.

Báo chí Malaysia cũng vào cuộc truy tìm tác giả tờ quảng cáo. Tờ The Sun Daily của Malaysia đã thử gọi đến ba số điện thoại trên tờ quảng cáo nhưng hai số không liên lạc được. Số còn lại là của một người lái xe. Người này rất tức giận và nói không hiểu tại sao số của mình lại bị in lên tờ quảng cáo và cho biết có rất nhiều người gọi đến ông để hỏi về người giúp việc Indonesia. Truy tìm thông tin trên mạng, báo này phát hiện số liên lạc trên tờ quảng cáo là của một người trên diễn đàn chuyên về lao động nước ngoài.

Trên tờ Malay Mail, nhà báo Frankie D’Cruz đã cảnh báo vụ việc có thể châm ngòi tâm lý bài Malay ở Indonesia. Ông cho rằng không chỉ người giúp việc Indonesia mới cảm thấy mình bị ngược đãi hay đối xử tệ ở Malaysia. “Những người giúp việc Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Myanmar cũng nghĩ như vậy - D’Cruz viết - Chúng ta mở rộng vòng tay đón những người nước ngoài để giúp chúng ta trong nhiều ngành nghề mà người trong nước không thích làm hoặc quá lười để tham gia”.

Ông cũng gợi ý nên bỏ từ “maid” (tiếng Anh nghĩa là người giúp việc nữ hay người hầu gái), thay vào đó là từ “một thành viên mở rộng của gia đình” như là cách để tôn trọng họ hơn.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên