18/03/2016 22:05 GMT+7

Căng thẳng ca mổ cứu sống một phụ nữ tại nhà

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Các bác sĩ Bệnh viện phụ sản Thái Bình, Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình và Khoa Huyết học của Bệnh viện đa khoa Thái Bình vừa thực hiện ca mổ hi hữu, cấp cứu cho bệnh nhân tại nhà.

Các bác sỹ tiến hành ca mổ ngay tại nhà cho chị lương Thị Vân - Ảnh: bệnh viện cung cấp
Các bác sĩ tiến hành ca mổ ngay tại nhà cho chị Lương Thị Vân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 18-3, năm ngày sau ca mổ cấp cứu ngay tại nhà, chị Lương Thị Vân, 28 tuổi ở Kiến Xương, Thái Bình đã gần khỏe trở lại, chị cười nói luôn miệng.

Ca mổ áp lực

5 ngày trước đó, khi kíp cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình và Khoa Huyết học của Bệnh viện đa khoa Thái Bình về Kiến Xương cấp cứu cho chị Vân, huyết áp của chị chỉ còn 40/20, mạch gần như không bắt được, môi và da trắng nhợt, không động đậy được tay chân và buộc phải mổ tại nhà.

Bác sĩ Phí Ngọc Chung (Bệnh viện Phụ sản Thái Bình), thành viên kíp phẫu thuật đặc biệt này cho biết nhận thấy tình trạng bệnh nhân rất nặng, nếu chuyển ra cơ sở y tế gần nhất là trạm y tế xã thì tình trạng bệnh có thể có biến chuyển nguy hiểm, các bác sĩ quyết định phẫu thuật tại nhà cho bệnh nhân.

“Chúng tôi cũng có những lo ngại nếu phẫu thuật không thành công thì tai tiếng ảnh hưởng cả ngành, ảnh hưởng cả sự nghiệp của mình, nhưng quan trọng là tính mạng bệnh nhân rất cần phải cấp cứu ngay”- bác sĩ Chung chia sẻ.

Chị Vân kể chị cảm thấy hơi đau bụng từ đầu giờ chiều 13-3, nhưng cứ nghĩ mình bị rối loạn tiêu hóa, bởi sáng cùng ngày chị đã đi siêu âm và chưa phát hiện điều gì bất thường.

Gần tối, bác sĩ trạm y tế xã vào khám cho mẹ chị cũng bị ốm, thấy chị nhợt nhạt, đau bụng đã đo huyết áp và khám luôn cho chị, bác sĩ nhận định có thể chị mang thai ngoài tử cung và đặt ngay đường truyền để duy trì mạch, huyết áp rồi gọi Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115.

Tại nhà riêng của gia đình chị Vân, các thiết bị y tế hỗ trợ phẫu thuật đều thiếu, bác sĩ gây mê Nguyễn Văn Thạnh cho biết các đã sử dụng cáng vận chuyển của 115 để làm bàn mổ, đèn mổ cũng dùng đèn của gia đình.

Người nhà bệnh nhân khóc ầm ĩ, hàng xóm kéo đến chật sân khiến bác sĩ cảm thấy rất áp lực.

Khi mở ổ bụng, trong bụng bệnh nhân có khoảng hơn 2 lít máu cục và máu trào ra từ phần phụ bị vỡ sau khi vỡ khối thai ngoài tử cung, bác sĩ phải lấy bát trong bộ dụng cụ phẫu thuật đã vô trùng múc máu từ ổ bụng ra và đưa vào một chiếc chậu, sau đó dùng gạc thấm và vắt vì không có máy hút.

Ban đầu, chị Vân được truyền 500 ml hồng cầu nhóm O (nhóm truyền được cho tất cả các nhóm máu), sau khi biết nhóm máu chính xác của chị Vân, nhóm phẫu thuật lại điều xe về bệnh viện lấy thêm 1500 ml máu tiếp tục truyền.

Sau hơn 2g được phẫu thuật cấp cứu, đến hơn 11g30 cùng ngày huyết áp của bệnh nhân đã lên được 80/40 và được chuyển an toàn lên phòng hậu phẫu của Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình.

Không có trong giáo trình y khoa

Theo ông Trần Văn Bội, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, riêng tại Thái Bình đã có 5 ca mổ vỡ khối thai ngoài tử cung như trường hợp chị Vân.

Mặc dù đây là loại ca mổ rất đặc biệt, không có trong bất kỳ giáo trình y khoa nào, nhưng lại xuất hiện tới 5 lần riêng tại Thái Bình.

Theo ông Bội, lý do là địa bàn tỉnh Thái Bình hẹp, các kíp chi viện ngoại viện luôn sẵn sàng trong trường hợp có đề nghị chi viện ở tuyến dưới.

Ông Bội cũng cho biết các bác sĩ từng 2 lần phải phẫu thuật cắt chi cho người bị máy ép gạch cuốn chân ngay tại ruộng.

“Trước đây chúng tôi phải vận chuyển cả máy ép gạch, máy tuốt lúa về bệnh viện cùng nạn nhân để phẫu thuật, nhưng nạn nhân có thể bị sốc và mất máu trong quá trình vận chuyển”- ông Bội cho biết.

5 ngày sau ca mổ, chị Vân đã sắp được về nhà. Ở giây phút cận kề khó khăn, chị đã được cứu bằng một ca mổ không có trong giáo trình y khoa.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên