Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (phải) bắt tay với người đồng cấp Canada Harjit Sajjan tại lễ đón ở Hà Nội chiều 5-6 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Chiều 5-6, tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, đại tướng Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chủ trì lễ đón chính thức Bộ trưởng quốc phòng Canada Harjit Sajjan.
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết tại hội đàm, hai bên đã thống nhất phương hướng, biện pháp tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương thời gian tới; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực tiềm năng như hợp tác về đào tạo, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, an ninh biển, công nghiệp quốc phòng, quân y.
Bộ Quốc phòng Việt Nam hoan nghênh Canada tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Kết thúc hội đàm, hai bộ trưởng đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác và đào tạo quân sự của Canada (MTCP).
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, việc ký bản ghi nhớ này giúp Việt Nam có thêm cơ hội tham gia các khóa đào tạo đa dạng tại Canada. Đây được coi là bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng song phương, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thúc đẩy các nội dung hợp tác tiềm năng khác.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, trả lời Tuổi Trẻ Online về nội dung hợp tác của MTCP, Bộ trưởng quốc phòng Canada Harjit Sajjan cho biết MTCP cho phép Canada cung cấp các khóa đào tạo huấn luyện cho Việt Nam bao gồm giảng dạy tiếng Anh, quân y, xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh mà Canada có nhiều kinh nghiệm, hỗ trợ đào tào các sĩ quan Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ ở các vùng xung đột trên thế giới.
Về triển vọng hợp tác an ninh biển, Bộ trưởng Harjit Sajjan cho biết hai bên đã thảo luận các biện pháp xây dựng năng lực cho lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam và ông tự tin cho rằng Canada có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Harjit Sajjan khẳng định lập trường của Canada là tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp và hiện có nhiều cơ chế quốc tế để giải quyết tranh chấp, trong đó có Tòa trọng tài PCA.
"Các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và mọi quốc gia đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không", ông Sajjan nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận