29/04/2022 09:14 GMT+7

Cẩn trọng với hàng khuyến mãi mùa lễ

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng mạnh dịp lễ, nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ lẻ tung chiêu khuyến mãi ảo, nhập nhèm giá cả cũng như mẫu mã sản phẩm nhằm trục lợi.

Cẩn trọng với hàng khuyến mãi mùa lễ - Ảnh 1.

Mua sắm online đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng - Ảnh: Q.ĐỊNH

"Ăn theo" mùa lễ 30-4 và 1-5, hàng loạt cửa hàng và sàn thương mại điện tử (TMĐT) đua nhau tung ra các sản phẩm giảm giá để thu hút khách hàng. 

Rất nhiều chương trình khuyến mãi "khủng", khuyến mãi "sập sàn", giảm giá tới 70%, thậm chí 90%... được quảng cáo. Tuy nhiên, đó rất có thể là cái bẫy được người bán giăng sẵn.

Quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo

Sau khi "săn sale" được 20 hộp miếng dán ngải cứu giảm đau và giải độc với giá 21.000 đồng/hộp 12 miếng, giảm 50% giá theo như quảng cáo trên một trang TMĐT, chị Ngọc (quận Phú Nhuận, TP.HCM) mới phát hiện giá thật của loại miếng dán này là 21.000 đồng/hộp, thậm chí có cửa hàng còn bán với giá chỉ 20.000 đồng/hộp.

Trên một sàn TMĐT khác, có cửa hàng rao bán nồi chiên không dầu với thương hiệu, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã rất đẹp và giá chỉ có 17.710 đồng. 

Tuy nhiên, khi chọn mua nồi chiên, hình ảnh sản phẩm hiện ra lại là một... chiếc móc dán. Nếu chuyển qua chọn đúng hình nồi chiên, mức giá công bố là 600.000 - 700.000 đồng.

Đây là một trong những chiêu trò khá phổ biến của nhiều nhà cung cấp trên nhiều sàn TMĐT nhằm dụ người dùng ham rẻ truy cập vào "cửa hàng" của mình. 

Trong thực tế, không ít người dùng trong cơn "say mê mua sắm" có thể bấm mua ngay chiếc móc dán tường nhưng đầu vẫn nghĩ rằng mình đã mua được một chiếc nồi chiên không dầu giá rẻ như cho.

Không chỉ trên các sàn TMĐT, một số doanh nghiệp bán hàng qua website riêng, thậm chí cả hệ thống bán lẻ lớn cũng dùng chiêu trò để thu hút người dùng. 

Nhiều website đang tổ chức các lễ hội bán lẻ với quảng cáo giảm giá đến 49%, 50%, thậm chí 70 - 90%. Nhưng trong thực tế, chỉ một vài sản phẩm giảm giá 50%, còn lại chỉ khoảng 10 - 20%.

Chẳng hạn, trong chương trình khuyến mãi trên website một hệ thống bán lẻ lớn, máy lọc nước được quảng cáo là giảm giá đến 49%. Nhưng thực tế không có sản phẩm máy lọc nước nào giảm đến 49% như quảng cáo. 

Tương tự, mặt hàng gia dụng tại một website khác cũng được quảng cáo giảm giá đến 50%, nhưng thực tế chỉ có duy nhất sản phẩm máy xay sinh tố là giảm 46%, còn lại đều ở mức thấp hơn nhiều...

Cẩn trọng với hàng khuyến mãi mùa lễ - Ảnh 2.

Sản phẩm nồi chiên có giá bán chỉ hơn 17.000 đồng, nhưng khi khách chọn mua lại ra chiếc móc dán tường - Ảnh: Đ.THIỆN

Đừng chỉ nhìn vào 49%, 50%...

Trao đổi với chúng tôi, bà Ánh Hồng, giám đốc tiếp thị hệ thống bán lẻ 24hStore, cho rằng khi mua hàng khuyến mãi, người tiêu dùng phải so sánh giá của sản phẩm đang giảm giá tại cửa hàng này với cửa hàng khác để xác định đó là khuyến mãi thật hay khuyến mãi ảo. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý chất lượng và thời hạn bảo hành sản phẩm bởi nhiều cửa hàng nhỏ lẻ không có chính sách "hậu mãi" như bảo hành, đổi trả đối với các mặt hàng khuyến mãi.

Đại diện sàn Shopee cho biết theo quy định, người bán không được tăng giá sản phẩm một cách bất hợp lý trước khi tham gia khuyến mãi, nếu vi phạm sẽ bị xóa sản phẩm đăng bán ngay khi bị phát hiện và sẽ bị tính điểm phạt. 

Cũng theo vị này, nhằm bảo vệ khách hàng, các đơn hàng chỉ được sàn thanh toán cho người bán sau khi người mua xác nhận đơn hàng đã được giao trong tình trạng tốt hoặc không có bất cứ khiếu nại nào.

"Vì vậy, khi mua sản phẩm nhưng không hài lòng hoặc có khiếu nại, người dùng có thể phản ánh đến sàn để không chỉ góp ý cho người bán tốt hơn mà còn giúp những người dùng sau không bị "dính chưởng"" - vị này nói. 

Theo ông Ngô Quốc Bảo, giám đốc trải nghiệm khách hàng và marketing Công ty FPT Retail, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán cả trên website chính, fanpage chính (có dấu xác thực xanh)...

Nhiều chuyên gia khuyến cáo khách hàng không nên chạy theo con số giảm giá 50% hay 70% mà vội vàng mua sản phẩm không có thông tin rõ ràng. "Với các mặt hàng có giá trị cao, người dùng nên chọn các hệ thống uy tín, có chương trình khuyến mãi cũng như các chính sách bảo hành, hậu mãi rõ ràng để an tâm khi mua sắm", một chuyên gia nói.

Cần tăng kiểm soát hoạt động khuyến mãi online

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Việt Thu - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho biết đơn vị này tiếp nhận rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến khuyến mãi ảo nhưng khó đòi hỏi quyền lợi vì người mua không cung cấp được giấy tờ, hóa đơn liên quan, còn người bán trên mạng hoặc qua điện thoại nên không có địa chỉ cụ thể.

"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ người tiêu dùng khi bị quảng cáo ảo lừa đảo. Tuy nhiên, ngoài việc tham khảo giá nhiều nơi, người tiêu dùng nên mua ở cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, chụp lại hình ảnh... để có cơ sở đòi quyền lợi chính đáng" - bà Thu nói, đồng thời cho rằng lực lượng công thương, quản lý thị trường cần tăng cường rà soát kỹ các hoạt động khuyến mãi nhằm ngăn chặn các chương trình khuyến mãi ảo, lừa đảo trên kênh online.

N.TRÍ

Dịp lễ 30-4: Hàng điện máy, thực phẩm, gia dụng... ngập tràn khuyến mãi chờ khách Dịp lễ 30-4: Hàng điện máy, thực phẩm, gia dụng... ngập tràn khuyến mãi chờ khách

TTO - Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều doanh nghiệp đồng loạt tăng nguồn cung và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi đối với hàng loạt sản phẩm từ thực phẩm, hàng gia dụng đến điện máy, điện thoại...

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên