06/12/2017 14:52 GMT+7

Cẩn trọng khi đặt khách sạn, vé máy bay trực tuyến

Nguồn: Tin tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Tin tức/ Thông tấn xã Việt Nam

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) có thông báo lưu ý người tiêu dùng khi đặt khách sạn, vé máy bay trực tuyến.

Cẩn trọng khi đặt khách sạn, vé máy bay trực tuyến - Ảnh 1.

Ảnh; TravelandVisa

Trước một số vụ việc khiếu nại liên quan đến đặt vé, đặt phòng trực tuyến khi đi du lịch Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng thông báo. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về các vụ việc đặt phòng/vé trực tuyến trong thời gian qua nhưng có thể thấy tình trạng xảy ra sự cố, khách hàng nhận được dịch vụ không như ý đã xảy ra khá phổ biến, gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình đi du lịch.

Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, Cục này đã tiếp nhận một số vụ việc khiếu nại liên quan đến đặt vé, đặt phòng trực tuyến khi đi du lịch.

Trong đó có vụ khách hàng đặt phòng khách sạn ở nước ngoài (khoảng 15 triệu đồng/đêm) thông qua một công ty du lịch. Khi đến nơi, khách sạn lại thông báo là chưa nhận được dịch vụ đặt phòng. Vì vậy tới tận đêm, khách hàng mới tìm được khách sạn khác. Do đang là mùa cao điểm nên người tiêu dùng đã phải thuê phòng này với giá khoảng 20 triệu đồng.

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong một số trường hợp, ngay cả khách hàng đã khá cẩn thận khi đặt phòng/vé trực tuyến, một số lỗi kỹ thuật vẫn xảy ra (ví dụ lỗi hệ thống – system error) dẫn tới trường hợp bị tính phí 2 lần. 

Trường hợp này, người tiêu dùng không có lỗi nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra bằng chứng về việc lỗi kỹ thuật. Nếu công ty du lịch không chủ động kiểm tra lại website, vấn đề này sẽ không được giải quyết triệt để.

Theo các chuyên gia thương mại điện tử, thực tế, đã có trường hợp khách hàng đặt phòng khách sạn và trả tiền nhưng sau đó công ty du lịch tuyên bố phá sản. Người tiêu dùng không thể đi du lịch hoặc không thể được hoàn lại tiền. 

Ngoài ra, khi đặt phòng/vé qua công ty du lịch có trụ sở ở nước ngoài, có một số trường hợp người tiêu dùng không thể liên hệ với công ty khi có vấn đề. Khách hàng có thể không được cung cấp các thông tin cần thiết như điều kiện hoàn, hủy,... Hậu quả là người tiêu dùng không biết chọn cách xử lý nào giữa thông tin từ công ty du lịch và khách sạn/hãng hàng không.

Vì vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo cho người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin về trang web, bao gồm thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty trước khi tiến hành giao dịch.

Trong quá trình giao dịch, cần tìm hiểu rõ địa chỉ của công ty. Trường hợp công ty có địa chỉ trong nước, khách hàng có thể kiểm tra xem công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh trên mạng qua Bộ Công Thương. Trong trường hợp công ty có địa chỉ tại nước ngoài, cần kiểm tra xem có thể liên hệ với công ty hay không (điện thoại, email).

Trước khi hoàn thành đặt phòng/vé, người mua cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, gồm cả phí hủy và chi tiết các danh mục đã đặt: Khi đặt vé trực tiếp tại quầy, khách hàng được tư vấn về các điều khoản hợp đồng nhưng khi đặt trực tuyến, phải chủ động tìm hiểu các nội dung bởi nhiều trường hợp khách hàng bỏ qua nội dung về phí hủy hợp đồng. 

Trường hợp vé máy bay đặt sai tên thì người tiêu dùng không thể được hoàn tiền sau khi đã hủy vé. Vì vậy, cần phải kiểm tra kỹ các thông tin như họ tên, email và lịch trình bay.

"Lưu giữ xác nhận đặt vé/phòng cho đến khi kết thúc chuyến đi: Xác nhận đặt vé/phòng là một tài liệu quan trọng thể hiện các điều khoản hợp đồng và các điều kiện bao gồm cả phí hủy dịch vụ; kiểm tra kỹ đã nhận được email xác nhận chưa và lưu giữ cho đến khi chuyến đi kết thúc", đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Nguồn: Tin tức/ Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên