30/03/2019 11:56 GMT+7

Cần trao cho An Khê một tầm vóc xứng đáng

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
THÁI BÁ DŨNG thực hiện

TTO - TS Anatony Derevianko - viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nga - đã đề xuất như vậy sau nhiều năm cùng nhiều chuyên gia khảo cổ học Nga, Việt Nam khai quật, nghiên cứu về di chỉ đồ đá cũ An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai).

Cần trao cho An Khê  một tầm vóc xứng đáng - Ảnh 1.

Các nhà khoa học, du khách ngắm các mẫu vật đồ đá cũ di chỉ An Khê tại Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo, thị xã An Khê, Gia Lai - Ảnh: B.D.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với TS Anatony Derevianko trước thềm hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè hai mặt ở châu Á".

* Ông có thể nói qua về những giá trị khoa học các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở di chỉ An Khê?

- Cái giá trị nhất của di chỉ An Khê đó là tính duy nhất về mặt địa tầng. Công cụ ghè đẽo hai mặt được tìm thấy ở đây nằm trong một địa tầng rõ rệt - khác với các nước khác là công cụ không có địa tầng hoặc địa tầng không rõ rệt.

Tới nay chúng tôi đã phát hiện được 21 di chỉ như thế. Hiện tại chúng ta mới nghiên cứu một khu vực rất nhỏ bé, chưa có điều kiện thực hiện quy mô rộng hơn, nhưng tôi tin tương lai sẽ tìm thấy nhiều hơn.

Điểm đặc biệt nữa, công cụ đá hai mặt được tìm thấy ở trên bề mặt nền của đá gốc chịu sự phong hóa của thời tiết với niên đại lên tới 806.000 năm.

Chúng tôi còn phát hiện ra được những "công xưởng" - nơi con người ghè đẽo, lấy công cụ, kỹ thuật chế tác đá cũng rất rõ ràng; cũng như phát hiện được rất nhiều loại hình công cụ như nạo đá, các loại mũi nhọn, các loại dao khắc...

Với những bằng chứng thuyết phục, những dấu tích xếp thành tầng lớp phân bố dày đặc có niên đại tới 800.000 năm, tôi tin rằng An Khê chính là một trong những cái nôi của loài người. Cần sớm công nhận về mặt nhà nước cho An Khê một vị trí xứng đáng để phục vụ nghiên cứu, phát huy giá trị vô giá này.

TS Anatony Derevianko

chuyen gia khao co

TS Anatony Derevianko

* Như vậy có thể khẳng định An Khê là một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người?

- Tôi nghĩ là thế. Bởi kỹ nghệ đá tìm thấy ở An Khê là sớm nhất Việt Nam, cho thấy đó là điểm khởi nguồn chuỗi văn hóa tiếp theo trên toàn Việt Nam.

Tôi tin tài trí, khả năng làm việc chăm chỉ, tính cách của người Việt Nam đang có được thừa hưởng từ gốc gác của cư dân cổ xưa trong lịch sử - mà cụ thể ở đây là An Khê.

Khi phát hiện di chỉ này, ngay từ năm 2015 chính quyền thị xã An Khê đã nhận ra giá trị, và họ cho xây công trình nhà trưng bày, tham quan di chỉ ngoài trời.

* Các nhà khoa học sẽ làm gì tiếp theo với di chỉ này?

- Hi vọng việc nghiên cứu vẫn được tiếp tục dựa trên sự hợp tác giữa hai nước. Dự kiến vào tháng 5 này, Chính phủ Nga và Việt Nam sẽ ký một hiệp định hợp tác.

Nếu khảo cổ học được đưa vào hiệp định đó thì chúng tôi sẽ có kinh phí để tiếp tục đến Việt Nam nghiên cứu. Nếu không, chúng tôi cũng sẽ tìm kinh phí ở một nơi nào đó nhưng việc này có lẽ là rất khó khăn.

* Ông có tư vấn gì để di chỉ An Khê phát huy được giá trị?

- Với những gì đã có, di chỉ An Khê chắc chắn sẽ giúp thu hút về mặt du lịch. Du khách từ các nước trên thế giới sẽ tới tham quan di tích, họ có thể đến đây để nghiên cứu di tích, di vật, họ chính là nguồn tiền để địa phương phát triển kinh tế.

Hiện đã có đường từ tỉnh lộ vào khu vực khai quật, cây cối cũng đã được trồng lên, nhưng tôi hi vọng sẽ có nhiều con đường, nhiều cây xanh hơn để du khách thêm phần thích thú.

Điều rất quan trọng, tôi nghĩ rằng các di chỉ nên sớm được công nhận ở các cấp độ di sản xứng đáng với tầm vóc của nó. Một khi được công nhận rồi thì sẽ đưa được vào các chương trình phức hợp, bao gồm văn hóa, dân tộc học, truyền bá kiến thức lịch sử...

Đánh thức "kho báu" sau 800.000 năm ngủ vùi

Tháng 6-2014, trong một đợt thăm khám, điền dã, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện những cục đá có hình thù kỳ lạ nằm trên các rẫy mía của người dân dọc lưu vực sông Ba tại hai huyện K’Bang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Sau khi lấy mẫu, phân tích trực tiếp, các nhà khoa học Nga - Việt đã xác định trên một gò lũy rộng lớn dọc sông Ba là nơi con người cổ xưa từng tồn tại, cư trú.

Niên đại của các mẫu vật được xác định lên tới 700.000-800.000 năm. Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ học Nga - Việt đã khai quật, tìm kiếm các mẫu vật phục vụ nghiên cứu.

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè đá hai mặt châu Á" diễn ra trong hai ngày 29 và 30-3 tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.

Sau khi dành trọn một ngày để các chuyên gia, nhà khoa học tham quan các địa điểm khai quật tại di chỉ An Khê, trong ngày 30-3 các đại biểu sẽ dành thời gian trình bày các tham luận với nội dung xoay quanh kỹ nghệ chế tác đồ đá cũ của người giai đoạn đứng thẳng phát hiện tại di chỉ khảo cổ học An Khê từ 2014 đến nay.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khảo cổ học hàng đầu thế giới đến từ Nga, Trung Quốc, Viện Khảo cổ học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Khai quật khảo cổ học phát lộ trung tâm tôn giáo thời Trần Khai quật khảo cổ học phát lộ trung tâm tôn giáo thời Trần

TTO - Trong quá trình khai quật khảo cổ học tại chùa Am Các, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật liên quan đến hoạt động tôn giáo thời Trần ở địa phương.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên