Chiều 11-12, gần 1.000 đại biểu dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII chia thành các diễn đàn thảo luận với các chủ đề "Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh"; "Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp"; "Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích"; "Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng"; "Thanh niên Việt Nam khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế"; "Xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vững mạnh"...
Đại biểu Lê Văn Tuấn đến từ Nghệ An gửi đến bài hát 'Nơi ấy con tìm về' và chia sẻ câu chuyện vươn lên trong cuộc sống - Ảnh: NAM TRẦN
"Đòn bẩy" cho thanh niên khuyết tật
Diễn đàn "Thanh niên sống đẹp, sống có ích" giới thiệu các gương bạn trẻ vươn lên trong cuộc sống, trao đổi về câu chuyện của Hội trong 5 năm tới về giải pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thanh niên để cảm hóa thanh niên hoàn lương; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn để hình thành thế hệ thanh niên sống đẹp, sống có ích cho cộng đồng.
"Cuộc sống không ai may mắn như nhau, tôi sinh ra là người bình thường, sau đó tai nạn mất đôi tay. Về với địa phương có cực khổ hơn so với mọi người khi làm lại cuộc đời. Tôi luôn cố gắng, sống phải có ích, không làm người dư thừa, không là gánh nặng của cộng đồng, có ý chí vươn lên", đại biểu Lê Văn Tuấn (Nghệ An) xúc động chia sẻ.
May mắn trong hoàn cảnh khó khăn, anh nói có "cánh tay" của Hội đồng hành, sát cánh với anh vượt lên nghịch cảnh. Anh học công nghệ thông tin, mở cửa hàng dịch vụ sửa chữa máy tính, điện thoại, chuyên nhận, thanh toán, bán sim, thẻ…
Qua diễn đàn, đại biểu Lê Văn Tuấn mong muốn thời gian tới Hội quan tâm đến người yếu thế, người khuyết tật nhiều hơn, là đòn bẩy để thanh niên khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Đại đức Thích Chúc Tiếp (Thái Nguyên) động viên thanh niên lỡ vi phạm pháp luật, lỡ nghiện ma túy hoàn lương đi dự Đại hội, để qua đó động viên họ có động lực sống hơn - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Nên giới thiệu nhiều hơn thanh niên lầm lỡ hoàn lương
Một thực tế được đại biểu Đại đức Thích Chúc Tiếp (Thái Nguyên) kể ra tại diễn đàn là gần như 99% đại biểu dự đại hội lần này có "lý lịch đẹp" mới được đề cử đi dự Đại hội lần này, chưa thấy đề cập tới những thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương làm lại cuộc đời.
"Tại sao mình không động viên thanh niên lỡ vi phạm pháp luật, lỡ nghiện ma túy hoàn lương đi dự để qua đó động viên họ có động lực sống hơn?", đại biểu Thích Chúc Tiếp đặt vấn đề.
"Nếu được mong Hội mời một số bạn có quá khứ lầm lỡ đã làm lại cuộc đời, hôm nay sống đẹp, sống ích đến chia sẻ, từ đó giúp có thêm kinh nghiệm cho những người làm công tác xã hội trong công tác này", đại biểu này đề xuất.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Đại (Hải Phòng) chia sẻ thực trạng tại các khu công nghiệp có nhiều việc làm, nhưng mặt trái là thời gian của thanh niên, người lao động dành cho gia đình, con cái rất ít. Nếu không có sự chia sẻ, dạy dỗ từ gia đình, có nguy cơ 5 - 10 năm nữa, thanh niên dễ dẫn đến sa ngã, tội phạm, có suy nghĩ bồng bột.
Đại biểu đề xuất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội chứ không riêng thanh niên, học văn hóa xếp hàng, giữ gìn vệ sinh môi trường.Tuyên truyền không chưa đủ, cần có chế tài nghiêm minh với ai vi phạm pháp luật.
Hội cần làm vai trò kết nối khởi nghiệp
Tại diễn đàn với chủ đề "Thanh niên Việt Nam sáng tạo, khởi nghiệp" có nhiều đại biểu trẻ là những thanh niên khởi nghiệp từ các sản phẩm nông nghiệp.
Anh Phan Thanh Sang, đại biểu tỉnh Lâm Đồng, chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho rằng khó khăn nhất của thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn là đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm.
Theo anh Hội có thể tạo ra các kênh kết nối thanh niên thành thị và nông thôn để gắn kết các doanh nghiệp với nhau từ đó có đầu ra cho sản phẩm, nhất là ở những thị trường lớn là các thành phố lớn.
Anh Nguyễn Tiến Hoàng, tổ hợp tác sản xuất cam Vietgap xã Đức Linh (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ thực tế rằng sản phẩm nông sản do các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn sản xuất ra có chất lượng tốt nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu ra, tiêu thụ. Do đó anh cho rằng đề xuất kết nối thanh niên khởi nghiệp, giữa các bạn trẻ khởi nghiệp nông thôn với các doanh nghiệp trẻ ở thành thị là cần thiết.
Nói thêm về khó khăn của giới khởi nghiệp, với tỉ lệ thất bại rất lớn, chiếm khoảng 90% số doanh nghiệp khởi nghiệp, anh Hồ Đức Hoàn, đại biểu TP.HCM, CEO EduReview cho rằng hội có thể đóng vai trò kết nối các startup với các nguồn lực.
"Nếu hội có thể kết nối người trẻ khởi nghiệp với các doanh nhân để mỗi bạn trẻ có một người cố vấn (mentor) để họ đồng hành với startup thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn", anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận