19/12/2014 10:22 GMT+7

​Cần tiến tới xã hội hóa việc điều trị nghiện

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Hiện nay cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở các tỉnh, thành đều vướng mắc. Riêng TP.HCM triển khai từ năm 2012 đến nay nhưng mới chỉ có khoảng 130 trường hợp tự nguyện khai báo, đăng ký cai tự nguyện.

Bộ phận tiếp nhận của P.12, Q.8, TP.HCM làm thủ tục chuyển người sử dụng ma túy đến các cơ sở xã hội - Ảnh: Tiến Long
Bộ phận tiếp nhận của P.12, Q.8, TP.HCM làm thủ tục chuyển người sử dụng ma túy đến các cơ sở xã hội - Ảnh: Tiến Long

Ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết như trên tại hội thảo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 18-12.

Mở rộng điều trị methadone

Mới có hơn 70 hồ sơ được chuyển đến tòa án

Tại hội thảo, ông Hứa Ngọc Thuận cũng đề cập đến quy trình chuyển hồ sơ của người nghiện không có nơi cư trú đến tòa án để xem xét, ra quyết định về việc đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông Thuận cho biết hiện hồ sơ còn chậm ở khâu xác minh nơi cư trú do người nghiện khai lung tung gây khó khăn và các tỉnh thành còn chậm trễ trong việc này. Đến ngày 18-12, với hơn 1.200 trường hợp được các phường, xã ra quyết định chuyển vào hai cơ sở xã hội, mới có hơn 70 hồ sơ được chuyển đến tòa án quận, huyện.

Tại hội thảo, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết hiện TP.HCM chưa thực hiện hiệu quả việc cai nghiện tại cộng đồng. Ngoài tình trạng người nghiện không tự nguyện thì với yêu cầu mỗi phường, xã phải xây dựng các cơ sở cắt cơn riêng để hỗ trợ người nghiện, TP cũng không thể đáp ứng.

Phương án của TP là tiến hành rà soát, thành lập các cơ sở cắt cơn liên phường, xã. Trước mắt sẽ thí điểm cai nghiện cộng đồng tại P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1), sau đó triển khai nhân rộng. Cũng theo ông Thuận, hiện nay đối với người nghiện tại cộng đồng chỉ có một biện pháp là điều trị thay thế bằng methadone.

Trong năm 2014, TP đã phê duyệt đề án mở rộng methadone nhằm tăng số người được điều trị lên 8.000 vào cuối năm 2015. Mục tiêu của TP là tất cả 9.900 người nghiện có hồ sơ quản lý hiện nay đều được uống methadone. Cùng với việc mở rộng, methadone cũng được đưa vào xã hội hóa, thu phí người uống, dự kiến khoảng 10.000 đồng/người/ngày.

Tuy nhiên, tính đến nay TP mới có khoảng 1.905 người được dùng methadone do nguồn thuốc đang được Bộ Y tế cấp từ viện trợ quốc tế với số lượng hạn chế. Phía TP.HCM đã đề xuất cho TP và một số địa phương được sản xuất methadone để chủ động nguồn và giảm giá thành nhưng Chính phủ mới chỉ định cho phép hai đơn vị được sản xuất.

Kiến nghị với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Võ Văn Thưởng - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho rằng cần có cơ chế hiệu quả từ phía Nhà nước để quản lý được chất lượng thuốc, thuốc có giá thành rẻ để nhiều người nghiện có thể tiếp cận. Ngoài ra, bên cạnh việc mở rộng methadone, cần cho phép các địa phương đưa vào một số loại thuốc mới như Cedemex đã được thử nghiệm có hiệu quả ở một số nơi.

Vẫn cần có cai nghiện bắt buộc

Ông Trần Trung Dũng - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho rằng cai nghiện tự nguyện hay bắt buộc đều là giải pháp. Ông Dũng nhận định: “Nghiện ma túy là bệnh xuất phát từ môi trường, gia đình và xã hội. Trong khi đó, môi trường của TP và cả nước vẫn đang có nhiều vấn đề.

Đặc biệt với đặc điểm 60% người nghiện không có nơi cư trú ổn định thì với phương pháp cách ly khỏi môi trường bệnh, người nghiện được trị bệnh, học văn hóa, học luật... TP đã làm rất hiệu quả trong 10 năm qua. Khi thăm dò, người dân cũng đồng tình và muốn duy trì cách điều trị này để giúp đỡ con em họ”.

Theo ông Dũng, trước mắt TP sẽ tăng cường vận động người nghiện và gia đình họ tự nguyện nhưng nếu không tự nguyện thì ra quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Hết thời gian cai tại cộng đồng mà người nghiện vẫn còn nghiện sẽ đưa ra tòa án xem xét để đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phát biểu tổng kết tại hội thảo, bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đồng tình với quan điểm phải sử dụng nhiều biện pháp, đa dạng biện pháp đối với người nghiện ma túy.

Bà Mai cho rằng với quan điểm người nghiện là người bệnh thì phải hỗ trợ họ từ bỏ ma túy, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp cũng cần thiết phải tước đi sự tự do của họ bởi nếu để họ ở ngoài cộng đồng sẽ gây hại cho xã hội. Theo bà Mai, các gia đình có con em nghiện phải có trách nhiệm, không thể khoán trắng cho Nhà nước.

“Phải có một bộ phận cai nghiện tại cộng đồng và các địa phương phải cố gắng tăng tỉ lệ người tự nguyện cai nghiện. Tại cộng đồng có tự nguyện, cai tập trung cũng phải có tự nguyện. Cần truyền thông mạnh mẽ cho người nghiện hiểu nếu họ tự nguyện, thậm chí là tự nguyện cai nghiện tập trung thì sẽ không bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tức là không bị đưa đi cai nghiện bắt buộc hai năm” - bà Mai nói.

Bà Mai nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là phải giảm tái nghiện, do đó về lâu dài cần tiến tới xã hội hóa công tác điều trị nghiện.

404 người nghiện lang thang có tiền án, tiền sự

Chiều 18-12, tại buổi sơ kết hai tuần thực hiện đề án tập trung người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định do UBND TP.HCM tổ chức, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP cho biết sau 13 ngày thực hiện đề án, TP.HCM đã phát hiện 2.120 người có phản ứng dương tính với xét nghiệm ma túy, đưa 1.209 người trong số trên vào hai cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu.

Ngoài ra, có 879 người nghiện ma túy là trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai, người có nơi cư trú ổn định được đưa về địa phương xử lý theo quy định.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết quá trình kiểm tra người nghiện không có nơi cư trú ổn định, Công an TP đã phát hiện 404 đối tượng nghiện ma túy là người có tiền án tiền sự, trong đó có hai đối tượng là tội phạm đang bị truy nã.

Theo lãnh đạo UBND một số địa phương như Q.1, Bình Tân, Thủ Đức..., tình hình tội phạm giảm, các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, ma túy đều giảm, có địa phương số tin tố giác tội phạm giảm hơn 50% so với trước khi thực hiện đề án nói trên.

Các địa phương cũng cho biết hầu hết người dân rất đồng tình, ủng hộ đề án. Dự kiến ngày 25-12, TAND các quận, huyện sẽ xem xét hồ sơ, ra quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc đối với những người nghiện lang thang có hồ sơ đầy đủ.

Đại diện các địa phương cũng nêu ra việc xác định người nghiện ma túy tổng hợp còn gặp nhiều khó khăn, các y bác sĩ được cấp chứng chỉ chứng nhận đủ điều kiện xác nhận tình trạng người nghiện hiện chưa dám cấp giấy xác nhận vì... chưa có chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan sớm xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi nhất cho việc xử lý người nghiện lang thang đi chữa bệnh, cắt cơn.

Một số vướng mắc khác liên quan tới việc xác nhận tình trạng cư trú của người nghiện lang thang tại các địa phương, ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo Công an TP có kiến nghị với Bộ Công an chỉ đạo các địa phương khác thực hiện việc xác minh, hồi đáp cho TP có cơ sở xử lý.

“Trường hợp không có hồi đáp sau thời hạn nhất định, các cơ quan chức năng của TP nên nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý dứt khoát” - ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.

GIA MINH

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên