Ảnh minh họa. Nguồn: www.cnn.com
Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến hay gặp nhất ở lứa tuổi học sinh. Các em học sinh khi bị cận thị học đường gặp trở ngại trong việc nhìn xa, thường phải cố gắng điều tiết mắt để thấy rõ các chi tiết. Lý do chính xuất phát từ sự phát triển của đời sống công nghệ, thói quen sinh hoạt, môi trường sống và sức ép học tập ngày càng tăng cao.
"Cận thị thì đeo kính" - đó là điều hầu như tất cả mọi người đều nghĩ tới khi mắc tật khúc xạ này. Nhưng đeo kính và điều trị cận thị học đường như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng tìm hiểu sâu nên rất dễ gặp phải những sai lầm. Về lâu dài, sự thiếu kiến thức có thể gây ra tác dụng ngược không đáng có.
Những nhầm tưởng về cận thị học đường hầu như không ai để ý:
Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính, do vậy không nên đeo kính
Người bị cận thị mắt nhìn kém, cần đeo kính để tăng chức năng thị giác, tăng chất lượng cuộc sống. Không đeo kính sẽ làm chức năng thị giác kém phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ dễ làm rối loạn phát triển thị giác hai mắt.
Những bạn học sinh thường phải học tập trong môi trường không đủ sáng, nếu không đeo kính thường xuyên cũng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến thị lực.
Chỉ cần đeo kính khi nhìn xa, nhìn gần thì có thể không đeo cũng được.
Quan điểm này không hoàn toàn đúng, mặc dù một vài bác sỹ vẫn khuyên bệnh nhân như vậy.
Thực ra thì mắt cận thị muốn nhìn rõ được vật thì phải đưa lại gần sát mắt, gần hơn nhiều so với người bình thường, đặc biệt khi cận thị trung bình và nặng. Đeo kính cận thường xuyên giúp chức năng nhìn của mắt trở về gần như người bình thường, nhìn xa rõ mà nhìn gần cũng không phải đưa sát mắt.
Đeo kính và giữ khoảng cách đúng khi học tập/làm việc với sách vở, máy tính sẽ giúp mắt bạn không rơi vào tình trạng tăng độ do thói quen nhìn gần.
Đeo gọng kính gì cũng được, quan trọng là chất lượng mắt kính
Chất lượng mắt kính quan trọng. Rất chính xác. Bởi mắt kính chất lượng tốt, có chức năng chống chói lóa, ngăn cản tia cực tím, tia UV,… sẽ giúp bảo vệ mắt khỏe.
Nhưng việc lựa chọn gọng kính cũng cần được lưu ý. Gọng kính phù hợp khuôn mặt sẽ làm bạn dễ chịu hơn, khoảng cách tới mắt kính (khoảng cách đỉnh sau) từ 12 - 14 mm. Đồng thời gọng kính làm tăng thẩm mỹ, tăng tự tin cho người đeo kính, đặc biệt là các bạn học sinh trong giao tiếp.
Mắt có biểu hiện tăng độ, nhưng lười hoặc nghĩ đeo độ thấp hơn vẫn nhìn được nên bạn không đi khám lại mắt
Đây cũng là lý do không nhỏ trong các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cận thị học đường ngày càng tăng cao. Nhiều người vẫn chấp nhận việc đeo kính cũ ngay cả khi bản thân nhận ra mắt đã tăng độ.
Tuy nhiên, không đi khám mắt định kỳ và chấp nhận đeo kính thấp hơn độ cận của mắt dễ gây nhức mắt, khó chịu, luôn phải cố gắng nhìn. Hậu quả nghiêm trọng hơn là thị lực suy giảm. Bởi vậy đừng quên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
Cận thị sẽ phải đeo kính suốt đời
Khoảng 50 năm trước, quan điểm này đúng với Việt Nam. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển của khoa học công nghệ và trình độ của các bác sĩ ngày càng tăng cao, việc thực hiện các ca phẫu thuật mắt trở nên đơn giản và an toàn hơn bao giờ hết.
Khi đủ 18 tuổi, bạn có thể tới bệnh viện mắt uy tín để được khám và tư vấn gói phẫu thuật mắt phù hợp với bản thân mình và sẵn sàng nói lời tạm biệt với sự rườm rà của cặp kính cận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận