10/05/2012 08:13 GMT+7

Cần thêm thời gian để giải phóng đường lên núi Cấm

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Dự kiến công tác giải phóng đường lên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) sẽ hoàn tất sau 15 ngày nhưng với tiến độ như hiện nay, thời gian có thể còn kéo dài hơn.

4.000 dân núi Cấm bị cô lập hàng thángĐá lăn do phá núi mở đường?Đá núi rơi đè bẹp ô tô, 6 người chết

Ngày 9-5, Công ty TNHH Hữu Duẩn tiếp tục dọn dẹp, giải phóng các tảng đá ở vị trí xảy ra tai nạn, suốt ngày sáu nhân công chỉ đẩy được một tảng đá lớn tuôn xuống và dọn dẹp một số tảng đá nhỏ. Còn những tảng đá rơi xuống hôm 5-5 hầu như vẫn còn nguyên trên mặt đường.

Đoạn đường chính nơi xảy ra tai nạn tiếp tục bị phong tỏa hoàn toàn, việc lên xuống núi chỉ có thể đi bộ vòng qua mấy lối nhỏ men theo vách núi. Trong buổi sáng mưa gió dầm dề, cùng người dân lội bộ lên tận đỉnh núi, chúng tôi thấy các lối đi này khá cách trở, nhiều chặng có độ dốc cao, khúc khuỷu, trơn lầy; nhiều chặng vừa hẹp vừa lởm chởm đá lớn, đá nhỏ rất nguy hiểm.

Trước tình cảnh đó, nhiều người dân đã góp của, góp sức tu sửa, tráng lại mặt đường một số đoạn bằng ximăng để đi lại thuận tiện hơn. Học sinh nghỉ học được rà soát, vận động đến trường, chính quyền cũng lo nơi ở, hỗ trợ tiền trọ cho số học sinh THPT.

Trong ngày, địa phương tiếp tục đưa hàng thiết yếu lên núi. Sau khi chở bằng xe máy lên một quãng, những bao gạo, can xăng được chia ra từng phần nhỏ cho vào balô để các dân quân tự vệ cõng vác lên tận đỉnh núi. Phó chủ tịch UBND xã An Hảo Chau Soc Phươl cho biết trong ngày đã đưa lên núi thêm được 500kg gạo, 210 lít xăng bán phục vụ dân. Người dân đã đổ xô đến mua gạo bình ổn giá 12.500 đồng/kg, xăng 28.000 đồng/lít... Nhờ vậy, giá cả đã lắng dịu, không còn sốt như mấy hôm trước.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, giá một số mặt hàng tiêu dùng khác vẫn còn cao hơn ngày thường, khâu vận chuyển người bệnh từ trên núi xuống vẫn chưa có cách nào giải quyết. Ông Bùi Văn Đạt, ở ấp Rau Tần, cho hay vợ ông bị tai biến mạch máu não do cao huyết áp đã quá ngày đi tái khám mà chưa thể đến bệnh viện khám được do đường tắc.

“Con dâu tôi đã gần đến ngày sinh, bác sĩ chẩn đoán có thể sinh khó. Trong khi đường sá bị tắc nghẽn kéo dài như vầy thì làm sao đưa đến bệnh viện khám, sinh nở đây?” - ông Đạt lắc đầu ngao ngán.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, trên núi có bốn ấp với hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống, thu nhập chủ yếu nhờ trồng hoa màu, cây trái bán đắp đổi hằng ngày; số thì buôn bán, kinh doanh dịch vụ phục vụ khách tham quan, hành hương. Mấy ngày qua rất ít du khách đến nên các dãy hàng quán, điểm du lịch trở nên vắng tanh.

“Thường lúc này vào mùa lễ hội vía Bà, du khách khắp nơi nườm nượp đổ đến vùng Thất Sơn này lễ bái, tham quan nên trái cây bán được giá lắm. Vậy mà giờ đây chẳng có người mua, cũng chẳng biết cách nào đưa xuống núi bán” - chỉ vườn trái cây trĩu quả, ông Cao Văn Tỉ, ấp Thiên Tuế, thở dài. Nhiều hộ dân than thở nếu tình trạng đường không thể lưu thông cứ kéo dài, cuộc sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên