Triển khai phần mềm đánh giá công chức
Từ trái qua: Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ông Lệ Trọng Sang và Ông Trương Văn Vở - Ảnh: V.Dũng - M.Hương |
* Ông Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, nguyên chánh thanh tra Bộ Nội vụ):
Xây dựng tiêu chí đánh giá
Về phía dư luận và cảm nhận của người dân, khi đến trụ sở công quyền mà gặp phiền hà, nhũng nhiễu, cửa quyền, tắc trách của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC), nhất là trực tiếp chứng kiến cảnh công chức rảnh rỗi “buôn” điện thoại, chơi game hay la cà quán cà phê trong giờ làm việc... thì tỉ lệ 30% “ngồi chơi” không phải không có cơ sở. Nhưng về phía Bộ Nội vụ, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành khác và địa phương gửi lên thì việc đưa ra tỉ lệ 1% cũng có thể hiểu được.
Vấn đề cốt lõi là ở chỗ với cách đánh giá CBCC như chúng ta đang thực hiện, nói chung cuối năm đa số đều được ở mức độ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, ngoại trừ số rất ít CBCC gây ra những chuyện lùm xùm hay bị kỷ luật. Bằng chứng là luật quy định “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ” thì phải nghỉ việc, nhưng từ khi Luật cán bộ - công chức có hiệu lực đến nay đã gần bốn năm, hầu như chưa có ai bị “chế tài” theo loại này. Hơn nữa, trong khi nhiều bộ ngành và địa phương cứ luôn kêu ca là “lực lượng mỏng” thì vẫn có một số lượng không nhỏ CBCC đang “ngồi chơi xơi nước”. Nghĩa là các bộ, ngành muốn tăng biên chế chứ không phải thực lòng muốn cắt giảm khu vực được cho là chiếm tỉ lệ đến 30% kia.
Để giảm được biên chế phải dựa vào việc đánh giá CBCC và xây dựng vị trí việc làm một cách rành mạch, rõ ràng. Điều đó cũng có nghĩa phải thay đổi cách đánh giá hiện nay là tốt hết cả.
Trước hết, cần xây dựng tiêu chí đánh giá CBCC thật rõ ràng trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ được phân công hằng ngày. Việc đánh giá nên thực hiện hằng tuần, hằng tháng hoặc hằng quý, thay vì để đến cuối năm mới đánh giá như lâu nay. Thứ hai, giao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, cho người thủ trưởng trực tiếp (như trưởng phòng, vụ trưởng...) thực hiện đánh giá CBCC. Hơn ai hết, thủ trưởng trực tiếp là người biết rõ ràng nhất về khối lượng, chất lượng và mức độ hoàn thành công việc của từng CBCC, kể cả ý thức trách nhiệm và thái độ khi tiếp xúc với khách hàng (nếu có). Tất nhiên, đi liền với đó phải thực hiện thật tốt cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá CBCC. Thứ ba là phải cho người sử dụng lao động cái quyền cho thôi việc đối với CBCC không hoàn thành nhiệm vụ. Đó chính là sự công bằng!
* Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (Đồng Nai):
Nói không với “dĩ hòa vi quý”
Khâu nhận xét đánh giá cán bộ hằng năm tôi cho là rất quan trọng, phải làm đúng mức, phải có tiêu chí cụ thể và công khai tiêu chí đó cho tập thể biết để cùng giám sát. Chứ hiện nay tôi thấy “dĩ hòa vi quý” nhiều quá. Nhận xét thường không dựa trên tinh thần phê và tự phê bình nghiêm túc, không đấu tranh để xây dựng, chỉ muốn “dĩ hòa vi quý”, được người được ta. Theo tôi, Bộ Nội vụ, trên cơ sở khảo sát lại thực tiễn, nên sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ở đơn vị hành chính như thế nào, đơn vị sự nghiệp ra sao, phải làm rõ ra.
Một điều quan trọng nữa là phải xuất phát từ yêu cầu vì công việc mà bố trí con người. Mà muốn bố trí đúng người thì phải có chuẩn. Vừa qua cái chuẩn này nhiều khi còn “du di” quá. Thêm vào đó, hãy thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo được kỷ cương, kỷ luật hành chính.
* Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang (TP.HCM):
Thực hiện “có vào có ra”
Tôi cho rằng hiện nay rất nhiều nơi trong bộ máy của chúng ta thừa là thừa những cán bộ không thiếu bằng cấp, học vị nhưng không điều hành chỉ đạo và thực hiện được vị trí chức trách trong công việc của mình. “Đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị” như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã giải thích với các đại biểu Quốc hội, nhưng nếu không đối diện với nó, thậm chí không chỉ ra nó thì khó có một nền hành chính có năng lực, minh bạch để thực thi công vụ.
Nguyên tắc “có vào có ra” phải được thực hiện nghiêm túc. Có ý kiến cho rằng công chức, viên chức vào khó nhưng ra khỏi đó còn khó hơn. Ý kiến này có lý khi cách tuyển dụng chỉ chú trọng bằng cấp, chưa đặt nặng vào yêu cầu công việc, kinh nghiệm, trong khi trình tự thủ tục để kiểm điểm, xử lý kỷ luật cho thôi việc phải qua nhiều bước.
* GS. TS Huỳnh Thị Gấm (trưởng khoa tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị hành chính KV 2):
Tạo môi trường cạnh tranh
Theo nhận định của tôi, số lượng CBCC không làm được việc lớn hơn 1%, nhưng không đến 30% như dư luận. Hạn chế của công chức hiện nay là chưa thành thạo về chuyên môn, kỹ năng công tác, làm việc.
Theo tôi, điều cần làm hiện nay là tạo môi trường cạnh tranh cho CBCC, nếu công chức không tự nâng cao trình độ, năng lực thì sẽ có người khác thay thế vị trí của mình. Nhà nước cần xây dựng những tiêu chí đánh giá, phân loại sát thực tế và trả thù lao xứng đáng cho người có năng lực.
Các cơ quan nhà nước nên tinh gọn biên chế bằng cách chỉ tuyển vào biên chế những vị trí chuyên môn nhất định, một số vị trí công tác không cần biên chế (như bộ phận tạp vụ, lái xe, tổ chức sự kiện, bảo vệ...) thì có thể làm theo chế độ hợp đồng. Như vậy người làm việc mới phấn đấu để giữ vị trí công tác của mình.
Hụt hẫng về năng lực là thách thức lớn Phương thức đào tạo công chức hiện nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức, chứ chưa chú trọng đầy đủ tới những kiến thức và kỹ năng để người công chức đủ năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Hiện trạng công tác đào tạo, tuyển dụng sai lầm đang gây ra tình trạng hẫng hụt về năng lực thực thi công vụ, không thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước. So với yêu cầu nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai thì sự hẫng hụt này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp. Nói cho dễ hiểu ta chỉ chú ý việc đưa công chức đủ tiêu chuẩn ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế rồi phải làm như thế nào”!? Chúng ta hiểu điều này nhưng mới chỉ thực hiện trên văn bản nghị quyết. Lâu nay, chỗ yếu của chúng ta là chưa có kế hoạch tổng thể biện pháp tổ chức thực hiện, dài hơi, khoa học, căn cơ, để đủ sức đẩy lùi căn bệnh yếu kém năng lực, phẩm chất của CBCC trong bộ máy từ trung ương đến địa phương. Nếu không làm được điều này, dù có hô hào, kêu gọi đến mấy thì đâu cũng sẽ vào đó, tình hình sẽ vẫn như cũ. Diệp Văn Sơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận