02/04/2018 09:27 GMT+7

Cần thanh tra dự án Cát Linh - Hà Đông

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản 2227 đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình đường sắt Cát Linh - Hà Nội vào khai thác sử dụng trong năm 2021.

Cần thanh tra dự án Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng vấn đề vốn đang tác động đến việc lùi tiến độ nhiều lần. 

Thiếu vốn có thể do dự toán ban đầu quá thấp, không sát thực tế nên làm một hồi phát hiện không đủ vốn, hoặc do quản lý dự án yếu kém, gây thất thoát lãng phí.

Theo ông Liêm, muốn làm rõ điều này, cần sự vào cuộc của cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông vận tải. 

Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 868,04 triệu USD, vốn rất lớn nên việc chậm tiến độ dự án tác động lớn về mặt xã hội, cần phải có một cuộc thanh tra cấp nhà nước xem vì sao chứ không phải cứ thông báo lùi tiến độ là xong. 

Hơn nữa, cần xác định ai chịu trách nhiệm khi được giao quản lý hàng trăm triệu USD vốn đầu tư mà sử dụng không hiệu quả.

Ông Liêm nhấn mạnh Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - tổng thầu EPC dự án - chỉ là người làm thuê cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đường sắt có cho phép họ mới lây nhây được. 

Hợp đồng EPC đã quy định rất rõ tiến độ, chất lượng dự án, đồng thời quy định điều khoản xử phạt vi phạm hợp đồng. 

Dự án lớn nào cũng có tổng thầu và thầu phụ, nhưng trách nhiệm chậm tiến độ dự án phải thuộc về thầu chính, không thể đổ lỗi cho thầu phụ.

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt không chuyên nghiệp, quản lý dự án yếu kém, nếu nghiêm khắc sẽ không có chuyện nhà thầu chây ì tiến độ nhiều lần. 

Dù ban quản lý dự án có cái khó là chỉ quản lý vốn nhưng vốn lại không có đủ một lúc, nhưng nếu ban quản lý dự án chuyên nghiệp phải thấy trước được những khó khăn, đề xuất để tháo gỡ kịp thời cho dự án.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề ai có thể tin đến cuối năm 2018 sẽ cơ bản thực hiện xong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông? 

Điều quan trọng là Ban quản lý dự án đường sắt phải giải trình rõ ràng nguyên nhân chứ hiện nay cứ nói lùi tiến độ đến 4 - 5 lần nhưng không thuyết phục.

Đã có nhiều bài học từ các nước trong khu vực khi các đối tác Trung Quốc chậm, hoãn, giãn tiến độ dự án, thay đổi điều kiện, nhưng Thái Lan hay Indonesia đều dừng ngay dự án. 

Khi thực hiện đầu tư các dự án lớn, có hai yếu tố cần cân nhắc, đó là đối tác có đủ tin cậy thực hiện các điều khoản hợp đồng, thứ hai là các điều khoản hợp đồng phải rất rõ ràng, tính hiệu lực cao. 

Một số dự án hợp tác với đối tác Trung Quốc thời gian qua bị vướng vào một điều khoản nào đó trong hợp đồng mà nhà thầu lùi mãi vẫn không làm gì được.

"Việc lùi tiến độ các dự án trọng điểm không chỉ khiến dự án đắt đỏ hơn, điều đáng lo ngại là các dự án trọng điểm chậm tiến độ gây ra rất nhiều tổn hại với nền kinh tế mà không đo lường được, nó còn làm chậm lại đà tăng trưởng chung của nền kinh tế", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông lùi tiếp Khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông lùi tiếp

TTO - Đã trễ, nhà thầu Trung Quốc lại xin lùi tiếp tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông 11 tháng nữa, khiến ta mất thêm 396 tỉ đồng.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên