16/09/2013 08:02 GMT+7

Cần thành lập nhiều HTX kiểu mới

V.TR. - THÚY HẰNG thực hiện
V.TR. - THÚY HẰNG thực hiện

TT - Nông dân Nguyễn Ngọc Hải - 57 tuổi, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Thới An, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ - vừa gửi bức thư viết tay đầy tâm huyết tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên những khó khăn của người nông dân hiện nay.

HTX kiểu mới sẽ giống doanh nghiệpKhông sản xuất thừa mứa lúa, cá...

kMyhApyg.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Hải đang làm thuê cho một doanh nghiệp nuôi tôm ở Bến Tre - Ảnh: Thúy Hằng

Chiều 15-9, trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ khi đang làm thuê ở một trại tôm tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, ông Hải nói: “Mấy hôm nay tôi cứ bồn chồn, lo lắng không ngủ được khi có nhiều người liên hệ hỏi về bức thư tôi gửi Tổng bí thư. Không biết trong thư tôi có nói gì sai hay vô tình mạo phạm Tổng bí thư hay không”.

* Trong thư ông nói mình là chủ nhiệm HTX nuôi cá tra ở Ô Môn, TP Cần Thơ, nhưng sao bây giờ lại đi làm thuê tận Bến Tre?

- Tôi thu xếp được công việc ở HTX nên đi làm thêm để có thêm thu nhập và cũng là để trải nghiệm ở lĩnh vực nuôi tôm. Tôi muốn biết vì sao nông dân nuôi tôm cũng bị thất bại, thua lỗ như nuôi cá tra. Tôi là nông dân nên cũng giống mấy chục triệu nông dân khác thôi, hễ làm gì có thêm thu nhập thì làm.

* Vì sao ông quyết định viết thư gửi Tổng bí thư và còn ghi tiêu đề là “Bức tâm thư”?

- Tôi gọi là “bức tâm thư” vì toàn bộ nội dung tôi viết đều xuất phát từ trái tim, từ sự hiểu biết và trải nghiệm của mình về nông nghiệp, nông dân đồng bằng sông Cửu Long suốt gần 40 năm qua. Lĩnh vực nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thì tôi đều đã làm hết các thứ đó, mỗi thứ ít nhất 10 năm nên hiểu được những vui, buồn, cay đắng của người nông dân. Tôi viết bức tâm thư này không phải là để nói chuyện của cá nhân tôi mà nói thay cho hàng chục triệu nông dân hiện nay. Dù thu nhập của tôi hiện cũng khá, nhưng cá nhân tôi không thể giúp hàng triệu nông dân khác mà nghĩ rằng nếu đóng góp được giải pháp là hay nhất. Tôi mong lá thư của mình là một kênh thông tin từ thực tế cuộc sống gửi đến lãnh đạo Đảng và Chính phủ.

* Chúng tôi đã đọc nhiều lá thư của nông dân gửi Thủ tướng Chính phủ hay bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng đọc bức tâm thư của ông thấy ít kể khổ mà nói nhiều về trăn trở của nông dân trước một số vấn đề vĩ mô của đất nước?

- (Cười) Nông dân khổ thì ai cũng biết hết rồi, đâu cần kể nữa chứ. Các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã rất nhiều lần đến tận nhà dân ở khắp các vùng miền để thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống của họ nên đã biết rất rõ rồi. Cho nên tôi chỉ nói lên một số vấn đề mà nông dân lo lắng, trăn trở và hi vọng nếu giải quyết được thì nông dân sẽ tự nhiên hết nghèo thôi.

Tôi thấy đau lòng khi nghe nhiều vị lãnh đạo lên báo, đài trách nông dân và nền nông nghiệp sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Thật sự là nông dân chúng tôi rất buồn. Nhiều người đã nghĩ chưa đúng về nông dân chúng tôi. Manh mún, nhỏ lẻ mà hàng hóa nông sản nhiều loại xuất khẩu nhất, nhì thế giới liên tục nhiều năm. Sao ai đó không tự trách mình chưa biến cái nhỏ, lẻ này thành cái lớn lao như mong muốn? Rồi còn đổ lỗi cho nông dân sản xuất tự phát. Xin thưa, người nông dân phải cần cù, lam lũ lao động ngày đêm mà cuộc sống còn khó khăn, vất vả thì đâu thể ngồi yên, phải buông cái này, bắt cái kia. Có bao nhiêu nông dân được đứng chân trong HTX để sản xuất lớn? Có mấy người được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản để yên tâm làm ăn? Nếu Nhà nước quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng sản xuất tôm, cá như các khu, cụm công nghiệp mà nông dân tụi tui tự ý bỏ ra ngoài sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì lúc đó hãy trách chúng tôi.

* Trong thư ông thể hiện quan điểm không đồng tình việc tích tụ ruộng đất. Vì sao vậy?

- Tôi thấy gần đây rất nhiều nhà khoa học và các bộ, ngành ủng hộ việc tăng hạn điền và tích tụ ruộng đất. Nhìn ở góc độ nào đó thì hợp lý, nhưng nông dân chúng tôi thấy có vẻ vấn đề này có lẽ bị chệch hướng. Cái gốc vấn đề ở đây là Nhà nước muốn có một nền sản xuất nông nghiệp lớn, hiện đại. Thế nhưng theo ý kiến của tôi, chỉ có những người giàu có mới mua nhiều đất nhưng đâu phải ai cũng tự sản xuất mà cho nông dân làm thuê trên đất của họ trước đây. Như vậy thì không thể tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại và giúp nông dân sẽ khá lên mà có thể tiêu cực hơn.

* Vậy theo ông, có giải pháp nào hữu hiệu mà không cần tích tụ ruộng đất hay không?

- Trong khi hầu như tất cả nông dân nuôi cá tra tự phát ở ĐBSCL đều ôm nợ, bỏ ao thì 20 hộ xã viên của HTX Thới An của chúng tôi dù chỉ có 10ha đất vẫn có lãi nhờ có liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty CP Hùng Vương. Năm 2013 HTX chúng tôi dự kiến thu hoạch 5.000 tấn cá tra và sẽ có lãi 10 tỉ đồng.

Từ bài học này tôi cho rằng cần phải khẩn trương thành lập thật nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi đó nông dân sản xuất manh mún sẽ cùng hợp sức nhau sản xuất lớn mà thôi. Khi đã vào HTX thì nhận thức của nông dân về làm ăn lớn sẽ được nâng cao nên hoàn toàn tổ chức sản xuất hiện đại. Quan trọng là nông dân không còn phải đi bán từng ký lúa, ký cá, mớ rau ở chợ trời nữa mà tất cả đều do HTX lo đầu ra và xây dựng được thương hiệu nông sản. HTX và doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu nông sản. Có doanh nghiệp nào đi gặp 1.000 hộ nông dân để ký hợp đồng tiêu thụ mà chỉ ký với HTX thôi. Cách làm này theo tôi biết đang phát huy hiệu quả ở tỉnh Đồng Tháp và một số địa phương khác. Mô hình HTX rất đúng đắn. Nông dân giờ ai cũng biết nếu làm tự phát thì đồng nghĩa với... tự sát.

* Ông đề cao mô hình sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp nhưng vì sao trong thư ông “lên án” doanh nghiệp mua cá của nông dân?

- Hơn chục năm qua giữa người nuôi cá tra và doanh nghiệp có gút mắc lớn mà không có chế tài nào giải quyết. Một số doanh nghiệp mua cá tra của nông dân nhưng nhiều tháng, thậm chí cả năm không thanh toán cho họ. Tôi biết doanh nghiệp sử dụng tiền này để quay vòng, là một hình thức chiếm dụng vốn của nông dân. Trong khi đó chẳng có nông dân nuôi cá nào bằng tiền túi mà phải vay ngân hàng. Doanh nghiệp không trả tiền thì nông dân phải vay nóng bên ngoài để trả lãi, trả nợ gốc rất khổ sở. Tôi đề nghị phải có chế tài để chấm dứt tình trạng này thì người nuôi cá mới bớt khổ.

Đau đớn khi đất bị thu hồi...

...Tôi đau đớn khi thấy trên truyền hình đưa tin các dự án ở các tỉnh thành trong cả nước đã phá vỡ sức mạnh của người nông dân bằng cách thu hồi đất của họ để làm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới. Thế nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng hết. Hàng trăm ngàn hecta đất bỏ hoang nhiều năm nay, thấy đứt ruột... Lo sợ hạn điền được mở rộng, tích tụ đất đai được cho phép thì những người lắm của nhiều tiền sẽ thâu tóm đất đai nhanh chóng. Gần 70 triệu nông dân nghèo chúng tôi sẽ sống ra sao?

Trước thực trạng các sản phẩm nông nghiệp nhiều năm qua nông dân làm ra như: hạt lúa, con tôm, con cá, lá rau, trái dừa, cây mía... lãi rất thấp hoặc thua lỗ, đã có gia đình tan nát nhà cửa do lỗ lã, nợ nần, mất ruộng vườn phải tha phương cầu thực. Đó là vì ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, khó khăn trong nước, biết làm sao. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đem về nhiều tỉ đôla, nhưng lãi suất ngân hàng mà nông dân phải chịu cũng tương đương chừng ấy. Suy nghĩ theo dân dã chúng tôi thì tiền ấy như bỏ từ túi này sang túi nọ. Xuất khẩu mà bán rẻ các sản phẩm nông nghiệp là coi thường sức lao động, sức sáng tạo của nông dân, chỉ làm họ còng lưng thêm vì nợ nần trĩu nặng. Điều đó cũng là bán rẻ tài nguyên thiên nhiên mà tài nguyên thiên nhiên thì đâu có vô tận. Đến lúc nào đó thì người nông dân không còn làm nổi nữa. Khi đó Chính phủ sẽ sử dụng ngân sách cho việc an sinh xã hội thì đất nước này còn được gì đâu...

Sẽ kiến nghị giúp nông dân tháo gỡ khó khăn

Ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết lãnh đạo Thành ủy TP Cần Thơ đã nhận được thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng về việc ông Nguyễn Ngọc Hải có gửi bức tâm thư cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lãnh đạo Thành ủy TP Cần Thơ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp xúc, nắm thêm thông tin cũng như tâm tư nguyện vọng của ông Hải.

Theo ông Quỳnh, những bức xúc mà ông Hải đại diện cho nông dân là có thật, song đều là vấn đề vĩ mô, vượt tầm giải quyết ở phạm vi các địa phương. Do đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng sẽ cùng lãnh đạo TP tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ nghiên cứu, giải quyết những vấn đề về vốn sản xuất, đất đai, tư liệu sản xuất, quan hệ sản xuất, thị trường... để giúp nông dân sống ổn định trên miếng vườn, mảnh ruộng bằng nghề nông của mình.

V.TR. - THÚY HẰNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên