Phóng to |
Nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức sản xuất liên kết theo “cánh đồng mẫu lớn“ để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, cải thiện thu nhập người dân. Trong ảnh: người dân xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa - Ảnh: Chí Quốc |
GS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo, chỉ ra vòng luẩn quẩn về cái nghèo của người nông dân: VN đứng nhất nhì thế giới về nông sản nhưng xuất khẩu giá rẻ do hàm lượng chất xám ít và chưa có thương hiệu mạnh nên lợi nhuận thấp dẫn đến nghèo.
Và do nghèo nên không tiết kiệm được tiền, vì vậy không thể đầu tư tốt cho sản xuất dẫn đến sản lượng thấp không đủ ăn đủ xài, do đó tiếp tục... nghèo.
Nỗi đau của bộ trưởng
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng nhìn nhận vấn đề này không hề mới. Phó thủ tướng nêu trăn trở và đặt ra một số vấn đề cho các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận: “Tôi đi nhiều nơi thấy tại sao (chính sách - PV) lại không vào cuộc sống một cách phổ biến, tại sao có tình trạng được mùa mất giá?... Mình sống trong thế mạnh lớn là vựa trái cây, gạo, không đến nỗi đói nhưng vì sao không giàu?...”.
Phó thủ tướng cũng cho biết đi thực tế ông thấy nguyện vọng của người dân rất bình dị là làm sao mua sản phẩm đầu vào chất lượng tốt, không mua trúng đồ dỏm, giá cả nông sản ổn định và làm sao bán được sản phẩm giá cao.
"Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã nói nhiều rồi, nay lại nói tiếp. Vì vậy hội nghị này là lần chót, cần tiến tới mức hành động. Nói mãi tốn thời gian và tiền quá" GS Võ Tòng Xuân |
Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của nông dân là do khâu liên kết tiêu thụ, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An (Q.Ô Môn, TP Cần Thơ), thẳng thắn: “Chúng ta không tổ chức được liên kết và khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị ông Hải: “Anh nói cái đó đụng đến nỗi đau của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đấy, đề nghị anh cho biết việc liên kết thông qua hợp tác xã có đem lại lợi ích cho nông dân không?”.
Ông Hải tự tin: “Nếu nói giàu thì chưa có tiêu chuẩn nhưng những xã viên Hợp tác xã Thới An là những người giàu của phường. Thu nhập tăng 10-20 lần so với khi nuôi cá đơn lẻ”. Theo ông Hải, khi liên kết vào hợp tác xã thì các xã viên đã giúp đỡ nhau xoay vòng vốn để đáo hạn ngân hàng, vì thế mới vay được ưu đãi 4%/năm, các doanh nghiệp thu mua cũng tự tin ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm...
Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ), khiến hội nghị cười ồ khi nói “nghe Phó thủ tướng phát biểu tôi thấy sướng quá” vì nhiều cuộc hội thảo ông được mời dự nhưng chỉ nói chung chung.
Nói về mô hình liên kết, ông Bình cho rằng việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân qua chương trình “cánh đồng mẫu lớn” là ưu việt trong giai đoạn hiện nay. Qua sáu vụ cùng nông dân thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, ông Bình phân tích: lúa sạ ít hơn (trước đây 160kg/ha, nay chỉ sạ 120kg/ha), phân bón ít hơn hai bao/vụ, giảm được cả thuốc trừ sâu, vì vậy người dân lãi nhiều hơn so với trồng riêng lẻ là 20 triệu đồng/ha/năm.
Thế nhưng ông Bình cho rằng cái khó nhất trong việc thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” khiến hiện nay ít doanh nghiệp và người dân tham gia là do doanh nghiệp phải đầu tư vốn rất lớn cho hệ thống máy sấy, hệ thống kho chứa và hỗ trợ nông dân.
GS Võ Tòng Xuân cũng đề xuất một mô hình đã nói trước đây mà theo ông là có thể giải thoát nghèo của người trồng lúa. Đó là mô hình người dân tham gia công ty cổ phần nông nghiệp (người dân được mua cổ phiếu công ty bằng tiền hoặc lúa và giá trị quyền sử dụng đất).
Khi đó, mỗi nông dân là chủ của công ty, không còn cảnh nông dân bị thương lái ép giá và cảnh bội ước của công ty hoặc nông dân, mà trái lại hằng năm nông dân được chia cổ tức từ doanh thu có lãi của công ty cổ phần.
Dư thừa sẽ rớt giá
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng công tác quy hoạch sản xuất, sản phẩm cũng như cơ cấu mùa vụ, cơ cấu sản phẩm rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó thủ tướng, trước đây có quan niệm giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa là cứ phải trồng lúa, nhưng nay phải thay đổi. “Hiện trung ương, Chính phủ đều có nghị quyết khẳng định vấn đề này rồi, miễn là lựa chọn chuyển đổi phù hợp, sau này có thể trồng lúa thì vẫn được” - Phó thủ tướng nói.
Dẫn chứng trường hợp ông Ninh đi tới tỉnh Long An và đến nhà những người dân trồng thanh long lãi 600 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ lãi 1 tỉ đồng/ha mỗi năm. “Nhà nước bảo chuyển 1.000ha, thực tế đã tăng lên 2.000ha nhưng vẫn bán được. Nhưng cả nước mà chuyển đổi như vậy thì bán thanh long cho ai.
Vì vậy, nếu chúng ta sản xuất ra mà sản phẩm dư thừa, không bán được thì rớt giá. Nên lựa chọn (quy hoạch) thế nào cho phù hợp từng vùng một: từ cấp xã, huyện, tỉnh, cấp vùng và cả nước, làm thế nào để phát huy thế mạnh từng nơi” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết mục tiêu tương lai là phải xây dựng một nền nông nghiệp định hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến tăng trưởng và chất lượng.
Theo đó, đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đây là tiền đề cho sự đổi mới các phương thức sản xuất, thúc đẩy sự ra đời các mô hình sản xuất mới, hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp.
Phân chia lợi nhuận với dân hợp lý và có đạo lý Ông Huỳnh Văn Thòn, giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho rằng cần tính toán lại việc phân chia lợi nhuận với nông dân thế nào cho hợp lý và (có) đạo lý. Ông Thòn cho biết công ty đã lần đầu tiên phát hành 5% vốn điều lệ cho nông dân và sẽ bán thêm 5% nữa, nhưng cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng vì các nhà đầu tư còn e ngại vấn đề này. Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cần giao việc xuất khẩu gạo cho người làm ra hạt gạo, nếu không, hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục là trở ngại lớn đối với các hợp tác xã lúa gạo, những công ty xuất khẩu nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận