26/04/2021 09:38 GMT+7

Cần tăng giám sát hàng không

C.TRUNG
C.TRUNG

TTO - Tình trạng "biển người" chen chúc, láo nháo như chợ vỡ ở khu vực soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã phần nào được giải quyết do dư luận vào cuộc. Nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề của ngành hàng không.

Cần tăng giám sát hàng không - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày tháng 4-2021 khi chưa triển khai các giải pháp giảm ùn ứ - Ảnh: C.TRUNG

1. Khi hành khách bức xúc vì ùn ứ, báo chí là cơ quan vào cuộc và nêu vấn đề. Tất cả kẹt cứng đã được hóa giải khá đơn giản với việc chấn chỉnh thái độ nhân viên, tăng hỗ trợ khách hàng, lắp thêm 5 máy soi chiếu an ninh... 

Cũng là hạ tầng chật hẹp, cũng vẫn phải khai báo y tế, do kiểm tra trực quan 10%... nhưng khi vào cuộc quyết liệt, tình hình đã thay đổi, khách đã đỡ khổ, được đối xử tốt hơn với đồng tiền mình bỏ ra khi mua vé.

2. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã chỉ thẳng vào trách nhiệm của cảng hàng không khi nói anh em nhân viên an ninh có "khệnh khạng", đề nghị chỉnh đốn lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất...

Tuy nhiên, vấn đề ùn ứ được xé toạc ra khi ông Phạm Vũ Cường, phó giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ ra một vấn đề khác, đó là quản lý về cấp giờ cất hạ cánh (slot), để các hãng bay thực hiện không đúng chuyến khiến lượng khách tăng cao vào khung giờ cao điểm mà không có chế tài gì. Tất cả thiệt hại, người quản lý hạ tầng sân bay è cổ chịu trách nhiệm.

Khi có trao qua đổi lại giữa các cơ quan, người dân mới vỡ ra nhiều thông tin. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo sân bay lên tiếng, lãnh đạo Cục Hàng không hay Bộ Giao thông vận tải chưa chính thức có trao đổi lại. Nên sự việc vẫn để đó, và khả năng giải quyết tận gốc vấn đề, người dân vẫn phải chờ thông tin tiếp theo.

3. Cũng ngay sau khi lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất lên tiếng, thông tin về việc Hãng Bamboo Airways có gửi tâm thư đến Thủ tướng tố Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải trong công tác điều phối slot tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng lộ diện. 

Qua đó, hãng thông tin về việc mỗi ngày có khoảng 30 slot bị dư thừa tại mỗi sân bay, trong khi hãng bay có nhu cầu khai thác thì "đói" slot... Liệu có hay không hãng bay "con cưng"? Có hay không sự không công bằng trong điều phối... cần phải được giải đáp? "Người trong nhà" đã nói, Bộ Giao thông vận tải cũng cần công khai trả lời rõ ràng với dư luận.

4. Ngay quy định kiểm tra trực quan 10%, việc thực thi là theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nhưng khi nảy sinh ách tắc, cục trưởng Cục Hàng không cho hay "do anh em làm hơi quá"... Vậy quy định có đủ rõ, hướng dẫn có sát thực tế không, có tình trạng chủ quan không... khiến người dân phải chịu khổ? Không chỉ người già, trẻ nhỏ phải vạ vật, mà không ít người đã lỡ chuyến, thậm chí thiệt hại. 

Ai chịu trách nhiệm? Họ có được đền bù không, hay một lời xin lỗi cũng không có? Và khi không xin lỗi, không xử lý trách nhiệm thì lấy gì đảm bảo lần sau không tái diễn cảnh thiệt thòi cho hành khách? Rất nhiều ý kiến người dân đã cho rằng qua sự việc ùn ứ vừa qua, cần cơ chế giám sát, chịu trách nhiệm cao hơn ở ngành hàng không.

5. Giảm được tắc trong sân bay nhưng tắc ngoài sân bay cũng cần kéo giảm. Dịp cao điểm lễ hay tết, Sở Giao thông vận tải TP.HCM rốt ráo triển khai các biện pháp giải tỏa kẹt xe ở các trạm BOT nhưng có một trạm thu phí gần như chưa bao giờ dừng thu, đó là ở sân bay Tân Sơn Nhất. 

Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, cao hơn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, liệu có thể cam kết bằng những lời thực tế: "Nếu kẹt xe, chúng tôi sẽ xả trạm" để khách hàng bớt khổ được không?

Các hãng hàng không phải đảm bảo việc hành khách khai báo y tế Các hãng hàng không phải đảm bảo việc hành khách khai báo y tế

TTO - Yêu cầu này được Cục Hàng không đưa ra trong công văn hỏa tốc vừa gửi các đơn vị hàng không về triển khai công tác kiểm soát hành khách khai báo y tế.

C.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên