30/06/2021 08:00 GMT+7

Cần tạm ngưng xuất khẩu phân bón

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Nhiều ý kiến đề nghị cần tạm ngưng hoặc đánh thuế cao với phân bón xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước, hạ nhiệt giá phân bón đã tăng quá nóng.

Cần tạm ngưng xuất khẩu phân bón - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến đề nghị cấm xuất khẩu hoặc tăng thuế xuất khẩu phân bón để tăng nguồn cung trong nước - Ảnh: Q.ĐỊNH

Giá phân bón trong nước đã tăng tới 50 - 60% kể từ đầu năm đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong lúc tình hình phân bón khan hiếm và giá cao thì các doanh nghiệp sản xuất lại tăng tốc xuất khẩu phân bón với số lượng cao nhất từ trước đến nay là điều bất thường.

TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA

Các bộ nói ổn, giá phân bón tăng sốc

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính từ đầu năm đến ngày 15-6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tăng gần 50% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu phân bón đạt con số cao kỷ lục như vậy.

Trước thực tế giá phân bón tăng đột biến những tháng đầu năm và kiến nghị của một số doanh nghiệp về bỏ thuế tự vệ với phân bón DAP nhập khẩu, giữa tháng 3-2021, một cuộc họp với 3 nhà sản xuất phân DAP trong nước được tổ chức.

Sau cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT trấn an: "Không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới".

Bộ Công thương cho rằng biến động giá DAP thời gian gần đây chủ yếu do yếu tố bên ngoài chứ không phải do nhu cầu trong nước tăng mạnh so với trước. Nhưng không lâu sau trấn an, từ nửa cuối tháng 4-2021, giá các loại phân bón tiếp tục tăng mạnh cho tới cuối tháng 6 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cho rằng giá tăng là theo đà thế giới. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng không thể phủ nhận việc tăng giá hiện nay với DAP trong nước là do nguồn cung không đủ cầu.

Việc Bộ Công thương tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, kèm với những trấn an "nguồn cung phân bón là không thiếu" khi giá thế giới tăng liên tục, trên thực tế đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu chùn tay. Lỗ hổng cung - cầu hàng nhập khẩu là nguyên nhân chính kéo giá DAP trong nước tiếp tục tăng vọt.

Còn giá phân urê trong nước gần đây đã tăng rất bất thường và hỗn loạn. Xét về cơ học, sản lượng urê sản xuất trong nước đã có thời điểm dư thừa phải tăng cường xuất khẩu. Như vậy, theo một số chuyên gia, về lý thuyết và thực lực, nó sẽ đủ sức điều tiết thị trường cho dù giá thế giới tăng. Nhưng thực tế giá urê thời gian qua chỉ tăng và tăng.

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón, nguồn cung khan hiếm và giá phân bón trong nước tăng cao thời gian qua còn do Việt Nam đã xuất khẩu một lượng lớn phân bón vào những tháng đầu năm.

Ngưng xuất khẩu để ổn định thị trường

Giám đốc một công ty phân bón tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng khi các lãnh đạo Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Bộ Công thương nói rằng nhu cầu DAP và urê không tăng thì phải chăng đã không nắm được tình hình sản xuất thực tế của phân bón Việt Nam đã thay đổi trong 3 - 5 năm qua.

Người dân đã chuyển mạnh sang bón phân phức hợp NPK và ít sử dụng phân đơn. Trong khi đó, DAP và urê lại là đầu vào để sản xuất NPK nên nói nhu cầu DAP và urê không tăng là phiến diện.

"Thực tế cuối năm ngoái đến nay các nhà sản xuất NPK trong nước thiếu DAP và urê trầm trọng", vị giám đốc này nói.

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty Vinacam, cho biết doanh nghiệp đã cảnh báo về khan hiếm và tăng giá phân bón từ tháng 2-2021 nhưng các bộ không nghe và đảm bảo đủ hàng. Nay vấn đề thiếu phân bón và giá tăng cao đang trở nên rất nghiêm trọng, Chính phủ cần sớm ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu DAP và urê để bình ổn thị trường trong nước, bảo vệ nông dân.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, khi phân bón khan hiếm và giá cao, các doanh nghiệp sản xuất lại tăng tốc xuất khẩu phân bón với số lượng cao nhất từ trước đến nay là điều bất thường.

Điều đó cho thấy trách nhiệm bình ổn giá nội địa của họ không được thực hiện. Nông dân Việt Nam đang phải trả hơn 1 triệu đồng/tấn phân bón DAP nhập khẩu để tạo điều kiện cho các nhà máy DAP trong nước xuất khẩu sản phẩm.

Với phân đạm, 4 nhà máy (đạm Hà Bắc, Ninh Bình, Cà Mau và Phú Mỹ) đã vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trong đó, đầu vào của đạm Cà Mau và Phú Mỹ là nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước vẫn tăng giá rất mạnh với lý do tăng cho kịp đà tăng thế giới.

Trong khi các dự án sản xuất phân đạm được ưu đãi lớn về chính sách, tín dụng, thậm chí là trợ cấp giá đầu vào trong những năm đầu tiên để nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn cung phân bón và bình ổn thị trường...

Thế nhưng khi giá nhiều nông sản xuống thấp, nông dân gặp khó khăn nhưng các công ty phân bón một mặt tăng giá bán trong nước, một mặt nhờ lợi thế giá thấp hơn do thuế trợ cấp phân bón đã tranh thủ xuất khẩu ra nước ngoài. Đó là sự bất công bằng đối với nông dân khi chính họ là người phải trả tiền cho thuế tự vệ, cho ưu đãi đầu tư của các nhà máy.

"Để sớm bình ổn thị trường, cần ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu phân bón urê và DAP, cân nhắc tạm ngưng áp dụng thuế tự vệ với DAP trong khoảng 3 - 6 tháng để khuyến khích nhập khẩu, tăng nguồn cung trong nước", ông Nghĩa đề xuất.

Không phải lần đầu đề xuất ngưng xuất khẩu

Năm 2008, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị tạm dừng xuất khẩu phân bón trong tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới ở mức cao và giá trong nước thấp hơn. Khi đó, một số nước đã đưa thuế xuất khẩu phân bón lên cao, như Trung Quốc có thuế xuất khẩu phân bón là 135%.

Trong khi tại Việt Nam việc sản xuất phân urê được Nhà nước bù giá khí, than, không đánh thuế xuất khẩu phân bón. Do vậy giá phân bón trong nước trong tình trạng thấp hơn giá thế giới và có khả năng sẽ xuất hiện tình trạng xuất khẩu ngược phân bón ra nước ngoài để kiếm chênh lệch.

Năm 2010, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung, tránh giá phân bón có thể tăng đột biến.

Bộ Công thương nói sao về chuyện phân bón nhập khẩu tăng giá, khan hàng? Bộ Công thương nói sao về chuyện phân bón nhập khẩu tăng giá, khan hàng?

TTO - Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa có thông tin liên quan đến việc phân bón DAP và MAP nhập khẩu đang bị áp thuế tự vệ, khẳng định đây là yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên