03/03/2021 09:22 GMT+7

Giữ thuế tự vệ với phân bón: Bảo vệ nông dân hay doanh nghiệp?

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Việc vẫn giữ thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu (phân DAP) khi giá phân bón này tăng mạnh thời gian qua đang đặt ra câu hỏi trên.

Giữ thuế tự vệ với phân bón: Bảo vệ nông dân hay doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Nhiều loại phân bón giá đang tăng cao - Ảnh: THU THỦY

Việc vẫn giữ thuế tự vệ với phân bón DAP trực tiếp để bảo vệ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trước phân bón nhập khẩu nhưng qua đó cũng để bình ổn thị trường và an ninh lương thực. Như vậy, về bản chất thuế tự vệ với phân bón cũng là bảo vệ nông dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi giá phân bón thế giới tăng quá cao, sản phẩm trong nước khan hiếm thì việc điều chỉnh thuế tự vệ một cách linh động nhằm kích thích nhập khẩu và qua đó giảm giá bán trong nước là cần thiết để hỗ trợ nông dân.

Ông Lê Triệu Dũng, cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 2-3 rằng sẽ rà soát, xác minh dù năm nào Bộ Công thương cũng "chủ động theo dõi diễn biến tình hình thị trường nhập khẩu, giá cả theo quy định". 

Nếu đúng thế thì Bộ Công thương hẳn đã biết giá phân bón trong nước tăng nóng trong 3-4 tháng qua, có loại như DAP tăng tới gần 50% (Bộ Công thương áp biện pháp tự vệ bằng đánh thuế nhập khẩu từ tháng 3-2018 đến nay). 

Nếu theo dõi kỹ hẳn Bộ Công thương cũng biết rằng tồn DAP trong kho của các nhà nhập khẩu gần như bằng 0 trong khi nhu cầu phân bón cho vụ xuân hè đang đến gần.

Giá phân bón DAP gần như tăng thẳng đứng (cùng với nhiều loại phân bón khác) cộng với thông tin hết hàng trong kho có thể sẽ dẫn tới giá tiếp tục tăng và tình trạng gom hàng, trữ hàng dẫn tới khan hiếm phân bón cho nông dân.

Đành rằng giá phân bón tăng mạnh không chỉ bởi Bộ Công thương áp dụng thuế tự vệ. Giá phân bón tăng bởi giá thế giới tăng mạnh và chi phí vận chuyển cao đột biến đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Giá phân bón thế giới tăng cũng phản ánh việc các nước tăng nhập khẩu hoặc trữ phân bón nhằm đảm bảo an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.

Với việc công suất các nhà máy DAP trong nước chỉ đáp ứng được 30-35% tổng nhu cầu loại phân này cho mùa vụ trong nước, việc nhập khẩu lẽ ra phải được khuyến khích.

Việc giá thế giới tăng quá cao sẽ tạo ra rủi ro cho các nhà nhập khẩu vì rất có thể khi ký hợp đồng xuất khẩu với giá cao thì khi hàng về đến cảng, giá thế giới giảm xuống họ sẽ lỗ. 

Do đó, việc giảm hoặc miễn thuế tự vệ sẽ vừa kích thích các doanh nghiệp tự tin hơn trong nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa gián tiếp giảm giá bán trong nước (hiện thuế áp dụng cho DAP nhập khẩu là trên 1 triệu đồng/tấn).

Do vậy, kiến nghị sớm tạm thời bỏ hoặc giảm thuế tự vệ với phân bón DAP nhập khẩu là việc cần sớm xem xét và giải quyết.

Về lâu dài, đã đến lúc Chính phủ và Bộ Công thương có đánh giá lại tác động và hiệu quả của biện pháp tự vệ bằng thuế với phân bón DAP nhập khẩu trong ba năm qua. 

Bởi cùng tên gọi DAP nhưng hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước là hai loại khác nhau. Trong khi DAP nhập khẩu được nông dân sử dụng trực tiếp trong canh tác nông nghiệp thì DAP trong nước chủ yếu được các nhà máy mua về để sản xuất phân bón NPK.

Chính vì vậy, giá phân DAP nhập khẩu cao hơn giá phân bón trong nước 20-30% nông dân vẫn mua, còn các nhà máy DAP trong nước dù theo lý thuyết là không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước vẫn phải xuất khẩu mới tiêu thụ hết hàng.

Với thực tế như vậy, việc tiếp tục áp thuế tự vệ với DAP thực chất là để bảo vệ cho hai nhà máy DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ, trong khi lại làm tăng thêm chi phí cho nông dân.

Phân bón DAP thiếu nghiêm trọng, nên bỏ thuế tự vệ? Phân bón DAP thiếu nghiêm trọng, nên bỏ thuế tự vệ?

TTO - Giá nhiều loại phân bón tăng mạnh, trong đó phân DAP tăng tới 50%, và khan hiếm, có nguy cơ không đủ cung cấp cho nông dân.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phân bón