Rất mong song song với chuẩn bị sửa luật, Chính phủ cần chuẩn bị nội dung nghị định hướng dẫn thi hành.
Chính phủ trước đây ban hành nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai bản kê khai tài sản thu nhập. Tuy nhiên cũng còn những băn khoăn về sự chưa phù hợp cần được nghiên cứu sửa đổi:
Do bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chưa được công khai nên người dân chưa thực hiện được quyền kiểm tra, giám sát, theo Luật phòng chống tham nhũng. Do vậy, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, đồng thời ban hành một nghị định về nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của cán bộ công chức. Theo đó, cán bộ công chức có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản.
Chúng ta tạo điều kiện cho những cán bộ công chức ngay ngắn trung thực trong kê khai. Nhưng đối với loại không ngay ngắn thì sao? Rất cần xử lý tài sản kê khai không trung thực. Tới đây, cùng với việc cán bộ công chức phải có nghĩa vụ giải trình đối với tài sản của mình và từng bước công khai tài sản, cần có quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được. Việt Nam đã ký công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng, trong công ước quy định “tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu”.
Trong khi đó, tại nghị định 68/2011, đối với công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo, hạ bậc lương; giáng chức; cách chức; chưa có quy định xử lý thế nào đối với số tài sản kê khai không trung thực, cũng chưa có quy định nào về kiểm tra nguồn gốc tài sản. Cho nên cần có quy định xử lý tài sản kê khai không trung thực theo hướng công ước quốc tế đã quy định nói trên.
Chúng ta chủ trương coi trọng ý thức tự giác, tự khai tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trên phương diện nào đó cần kèm theo các quy định chế tài thật nghiêm. Vì thế, cần có biện pháp để xác minh việc tự kê khai tài sản của cán bộ, công chức trung thực đến đâu. Trước đây, theo quy định tại nghị định 37 về minh bạch tài sản thu nhập, phải có hai điều kiện để xác minh.
Thứ nhất, có đơn tố cáo rõ ràng, có chứng cứ và không được nặc danh liên quan đến việc kê khai tài sản không trung thực. Thứ hai, có kết luận của cơ quan chức năng như thanh tra, điều tra, kiểm toán kết luận về người có nghĩa vụ kê khai liên quan đến hành vi tham nhũng. Trong khi đó, hồ sơ kê khai của nhiều cán bộ công chức một số chỉ kê khai nhà ở, còn tài sản khác có hay không thì không thể biết được. Do vậy, vẫn có thể đặt dấu hỏi liệu những cán bộ này không có tài sản từ 50 triệu đồng trở lên có đúng không? Thực tế cũng tùy thuộc từng người, có người kê khai 1-2 căn nhà, ôtô, nhưng có người có mà không kê khai.
Nghị định 68/2011 cũng không có gì thay đổi. Như vậy, từ trước đến nay chỉ những trường hợp cán bộ có vấn đề phải tiến hành xác minh mới biết và xử lý được chuyện kê khai không trung thực. Nên chăng, cần nghiên cứu để có thêm biện pháp xác minh việc tự kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ngoài hai điều kiện đã quy định nói trên để tăng cường hơn nữa tính trung thực trong việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Ngoài ra quan chức tham nhũng chẳng dại gì không xé nhỏ tài sản chia cho vợ, con, người nhà đứng tên. Nghị định 68/2011 cũng không tiên liệu thủ đoạn tránh né này!?
Sửa đổi nghị định 68/2011 theo hướng như trên mới mong việc sửa đổi bổ sung Luật phòng chống tham nhũng đạt được kết quả, đi vào cuộc sống...
Kiểm soát tài khoản cán bộ ở nước ngoài Công luận từng đặt vấn đề lo ngại về việc khó kiểm soát tài khoản của cán bộ, công chức tại ngân hàng nước ngoài, bởi việc quản lý tài sản ở nước ngoài còn liên quan đến luật pháp nước sở tại, nhất là pháp luật về ngân hàng. Trong khi đó, kê khai và báo cáo tài sản tại nước ngoài, nếu có, là một trong chín nội dung bắt buộc, bất kể số dư tài khoản là bao nhiêu. Đây là yếu tố cần được kiểm soát. Ta chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, cần phải hợp tác với các nước để kiểm soát được tài khoản của cán bộ, công chức tại nước ngoài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận