Ngoài những trạm thu phí đã xóa bỏ và dừng thu nói trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng kiến nghị Thủ tướng cho bỏ tiếp bốn trạm thu phí khác đã bán, chuyển quyền thu phí cho các nhà đầu tư do lượng phương tiện lưu thông qua trạm cao, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Bộ GTVT đề xuất Chính phủ phương án dùng khoảng 856 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước mua lại quyền thu phí trong thời gian còn lại của các nhà đầu tư và sẽ xóa bỏ dừng thu từ ngày 1-3-2013.
Đề xuất này phần nào thể hiện sự sòng phẳng với người dân của cơ quan quản lý nhà nước như tuyên bố trước đó. Đây là điều hợp lòng dân vì khi người dân đã chấp nhận đóng phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện thì họ được quyền không đóng phí sử dụng, bảo trì đường bộ qua trạm thu phí trên các tuyến đường xây dựng bằng ngân sách, tiền thuế của dân nữa. Giới vận tải đường bộ cũng vui mừng khi số trạm thu phí được bỏ càng nhiều thì họ càng giảm được chi phí hoạt động.
Theo ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, dù nhiều tuyến chỉ bỏ một trạm thu phí nhưng đây là điều rất đáng mừng với các doanh nghiệp vận tải cũng như các chủ hàng vì sẽ điều chỉnh được giá cước phù hợp hơn, tránh tình trạng phí đường bộ bù vào cước vận tải và cuối cùng chính người dân phải gánh chịu.
Tuy nhiên, dư luận vẫn mong sự sòng phẳng được thực hiện triệt để hơn nữa. Cảm giác lạm thu, phí chồng phí vẫn còn. Có nhiều trạm thu phí trên các tuyến đường được đầu tư bằng tiền nhà nước, nói chính xác hơn là tiền người dân đóng thuế, vẫn được sử dụng để thu phí hoàn vốn cho những dự án BOT vừa được khởi công ở nơi khác hoặc thu khi dự án chưa đưa vào sử dụng. Đơn cử, trạm thu phí Bắc Thăng Long trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) được dùng để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 được thu để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dù dự án này đang thi công; trạm thu phí Tào Xuyên trên quốc lộ 1 (tại thị xã Bỉm Sơn) thu phí cho đường tránh TP Thanh Hóa; trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Đồng Nai cách đó 142km và thu từ khi cầu Đồng Nai mới khởi công...
Cơ quan quản lý nhà nước luôn giải thích với người dân là do ngân sách khó khăn nên kêu gọi đầu tư BOT trong hạ tầng giao thông và “tạo điều kiện thuận lợi” để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Tuy nhiên với người dân, doanh nghiệp vận tải đường bộ, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc mình đi đường này nhưng đóng phí cho đường khác hoặc phải đóng phí cho những dự án chưa hoàn thành. Việc ép người mua hàng phải mua một sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc họ không sử dụng sản phẩm đó là điều khó chấp nhận. Nếu Nhà nước chưa đủ tiền hỗ trợ nhà đầu tư hoàn vốn thì có thể tạo ra những phương án, cơ chế cho phép nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh hơn chứ không nên theo cách cái gì thiếu thì thu của dân. Nếu sòng phẳng với dân một cách thật sự thì Nhà nước cần xóa bỏ, di chuyển các trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” hay chưa bán sản phẩm đã thu tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận