15/11/2021 09:27 GMT+7

Cần quy chế đặc biệt hỗ trợ vốn cho nền kinh tế

Ông PHẠM VĂN VIỆT (tổng giám đốc Việt Thắng Jean) - NGỌC HIỂN ghi
Ông PHẠM VĂN VIỆT (tổng giám đốc Việt Thắng Jean) - NGỌC HIỂN ghi

TTO - Ngành ngân hàng (NH) đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí... Song những giải pháp đó chưa đủ để doanh nghiệp (DN) gượng dậy sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4.

Cần quy chế đặc biệt hỗ trợ vốn cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Nhiều DN đang rất cần vốn để đảm bảo nguyên liệu, không bị đứt gãy sản xuất - Ảnh: NGỌC HIỂN

Doanh nghiệp (DN) đang rất cần dòng tiền để hoạt động và phục hồi. Do đó cần một cơ chế vay linh hoạt, chia sẻ thực sự của các NH để giảm lãi suất, đưa ra một quy chế đặc biệt giúp DN tiếp cận tín dụng. Tức sự hỗ trợ phải là "tiền tươi, thóc thật".

Tái cấp vốn lưu động để mua nguyên liệu

Các DN dệt may đang đẩy mạnh sản xuất hoàn tất các đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm mới. Tuy nhiên, đây cũng đang là chu kỳ tăng giá nguyên phụ liệu trên toàn thế giới. Hiện giá bông đang có xu hướng biến động mạnh, tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm 2021. Giá sợi cũng tăng khoảng 8 - 10%.

Nhưng DN dệt may lại đối diện việc không đủ vốn để thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu bên cạnh chi phí lương, kho bãi... tăng. Trong khi đó, nguồn vốn dự trữ đã sử dụng hết trong các tháng giãn cách, khách hàng thì tối thiểu 6 tháng mới thanh toán.

Để không thiếu hụt nguyên phụ liệu dẫn đến đứt gãy sản xuất, vấn đề cấp bách hiện nay là hỗ trợ vốn vay mới với lãi suất ưu đãi để các DN mua hàng. NH Nhà nước cần cho phép các NH thương mại điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85%, nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp... 

Các NH cũng cần phân loại thời gian DN vay vốn theo chu kỳ sản xuất sản phẩm. Không nên cào bằng thời hạn vay vốn lưu động của DN làm hàng tiêu dùng với DN dệt may.

Nền kinh tế đang phục hồi, vì vậy rất cần tạo ra sự đồng bộ để đồng vốn lưu động nhanh đến tay DN. Điều này giúp chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu - bán thành phẩm, hướng tới phát triển bền vững.

Cần đẩy mạnh tài trợ cho vay theo chuỗi cung ứng. Các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn NH lãi suất tốt dựa trên nền tảng xếp hạng tín dụng, uy tín của DN trung tâm. Đây có thể được xem là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường sự liên kết của chuỗi cung ứng.

Ông PHẠM VĂN VIỆT

Cần hỗ trợ mạnh hơn nữa

Từ giữa tháng 7, các NH thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay 0,5 - 2%/năm và phổ biến là 1%/năm với số tiền giảm lãi suất cam kết khoảng 20.300 tỉ đồng. Nghị quyết số 105 của Chính phủ mới đây cũng yêu cầu NH Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay, đặc biệt là tiết giảm chi phí, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất tại nhiều NH thương mại chưa nhiều thực chất, thậm chí là giảm cho có. Các NH thương mại cần xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Tôi cho rằng điều này hoàn toàn trong tầm tay của các NH.

Ngoài ra, NH Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để các NH thương mại cho vay bảo đảm bằng hàng hóa trong kho và khoản phải thu. Theo thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm của VN, chỉ 30% tổng số hồ sơ đăng ký liên quan đến các khoản phải thu và hàng tồn kho (ở Trung Quốc là 60%).

Cần quy chế đặc biệt

Nhiều DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật các tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân, DN cơ bản phải đảm bảo: không nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo. Nhưng COVID-19 đã khiến doanh thu sụt giảm, lợi nhuận âm... Dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm.

Chính sách hỗ trợ có và được bổ sung nhiều lần, song các văn bản sửa đổi và hướng dẫn chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa đi vào cuộc sống. 

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 cho thấy 41% số DN được khảo sát gặp khó trong tiếp cận tín dụng. Cho vay dài hạn khan hiếm khi hơn 85% các khoản vay NH thương mại phải trả trong khoảng dưới một năm. Các NH thường ít chấp nhận động sản như các khoản phải thu và hàng tồn kho làm tài sản thế chấp.

Vì vậy, Quốc hội cần có cơ chế đặc biệt trong bối cảnh mang tính không có tiền lệ này để NH có thể nới cho vay và DN có thể tiếp cận. Tất nhiên, khi có cơ chế cũng phải tính toán kiểm soát, kiểm tra rủi ro cả trước, sau và trong khi cho vay.

Thu hút lao động trở lại sau khi mở cửa kinh tế, cách nào? Thu hút lao động trở lại sau khi mở cửa kinh tế, cách nào?

Tuyển dụng được là may mắn nhưng để giữ chân được người lao động, tránh những bất an, xáo động sau khi kinh tế mở cửa cũng không dễ.

Ông PHẠM VĂN VIỆT (tổng giám đốc Việt Thắng Jean) - NGỌC HIỂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên