08/08/2015 08:05 GMT+7

Cần minh bạch, xóa cơ chế xin cho trong sử dụng vốn ODA

VIỆT HÙNG - KIM EM
VIỆT HÙNG - KIM EM

TT - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “20 năm huy động và sử dụng vốn ODA của VN”, do Ban Kinh tế TƯ chủ trì với sự phối hợp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV).

Các đại biểu quốc tế trao đổi bền lề hội thảo về vốn ODA tại TP Đà Nẵng ngày 7-8 - Ảnh: VIỆT HÙNG
Các đại biểu quốc tế trao đổi bền lề hội thảo về vốn ODA tại TP Đà Nẵng ngày 7-8 - Ảnh: VIỆT HÙNG

 Hội thảo được tổ chức ở TP Đà Nẵng ngày 7-8.

Từ năm 1993-2014 là chặng đường mang tính bước ngoặt trong phát triển đất nước, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho VN đạt 89,5 tỉ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,6 tỉ USD, bình quân 3,5 tỉ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân gần 53,9 tỉ USD, chiếm trên 73% tổng vốn ODA đã ký kết.

Nguồn vốn ODA được thực hiện dưới ba hình thức gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm 10-12%, ODA vay ưu đãi khoảng 80% và ODA hỗn hợp 8-10%.

Góp phần phát triển đất nước

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận nguồn ODA đã cung cấp một lượng vốn lớn quan trọng cho VN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực nhà nước và xã hội chưa được phát huy cao độ.

Lượng vốn ODA qua 20 năm cam kết chiếm trên 10% tổng nguồn vốn của xã hội đã đóng góp tích cực vào đầu tư phát triển cho VN, nhất là các lĩnh vực quan trọng như giao thông, điện lực, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục...

“Thông qua ODA, VN từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế” - Phó thủ tướng nói.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng hỗ trợ VN trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tạo niềm tin, khuyến khích doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư ở VN.

Theo ông Huệ, nguồn vốn ODA góp phần quan trọng tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội, phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo...

Dùng vốn ODA sai là tai họa

Theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA vừa qua còn bộc lộ không ít tồn tại. Đó là năng lực hấp thụ ODA của các ngành, địa phương còn hạn chế; tỉ lệ giải ngân ODA đã ký kết còn thấp.

“Một nguồn lực hết sức to lớn, quan trọng như vậy nhưng chúng ta giải ngân chậm, có nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn còn thấp” - ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, khuôn khổ thể chế, pháp luật quản lý ODA đã được cải thiện, song quy trình, thủ tục còn rất phức tạp, phiền hà, năng lực quản lý ở một số nơi, một số địa bàn chưa theo kịp yêu cầu.

Ông Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra tỉ lệ giải ngân chung khoảng 63% cho thấy năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương, dự án còn chậm.

Một số chương trình, dự án ODA chưa sát thực tế, phân bổ ODA dàn trải, hiệu quả sử dụng ODA còn thấp, đây là một trong các nguyên nhân tác động đến tính bền vững, an toàn của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.

TS Nguyễn Thành Đô, nguyên cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đã làm hội trường sôi động khi đưa cụ thể các địa chỉ sử dụng vốn ODA không hiệu quả, thất bại.

Đó là dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM vay vốn ODA Ấn Độ vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu, không nơi tiêu thụ sản phẩm nên khi bàn giao hoàn toàn không vận hành được.

Chưa hết, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long vay ODA Ý không hoạt động do thiếu nguyên liệu; chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng vay ODA của Ý thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường.

Ngoài ra, hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không mang lại hiệu quả.

Theo ông Đô, có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên là nhận thức ODA của cả trung ương lẫn địa phương trong thời gian dài là nguồn cho không, Chính phủ trả nợ, ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA mà bất chấp tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ.

Không thể ban phát vốn ODA

Trong tình hình nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn, nhiều chuyên gia kêu gọi phải đổi mới triệt để phương thức quản lý ODA, nên dùng ODA là “vốn mồi” để huy động các nguồn vốn khác trong xã hội, tăng cường tính minh bạch mỗi dự án và công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng hiện sử dụng ODA khắt khe hơn, còn đắt hơn vốn Chính phủ nên cần sử dụng ODA làm “vốn mồi” để tránh rủi ro về tỉ giá và phát huy được thị trường vốn dài hạn trong nước. “Cần chấm dứt hoàn toàn việc xem ODA là ban phát rồi chia nhau, đó là cái họa cho đất nước” - ông Lịch nói.

Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư - GS Võ Đại Lược nhấn mạnh trong việc sử dụng vốn ODA sắp tới phải cần có sự minh bạch, công khai, có cơ chế giám sát, kiểm tra để tăng hiệu quả sử dụng vốn.

“Phải cân nhắc, lựa chọn vốn ODA cho dự án nào mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu chứ đừng dàn trải và nhất là phải kiểm soát được từng khâu của dự án ODA, tránh để một đầu mối thâu tóm tất cả” - GS Lược khuyến cáo.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, hiến kế để tránh phụ thuộc vào vốn ODA cần phải có đề án phát triển thị trường vốn dài hạn làm nguồn cung cấp tài chính chủ lực cho việc phát triển đất nước.

TS Doanh lưu ý cần xem xét lại các quy trình cấp phát, vay vốn ODA sao cho đơn giản và tránh các hiện tượng tiêu cực, xin cho, cần rõ ràng, công khai, minh bạch.

“Em đi có về có, em đi không về không - một số người nói với tôi như vậy khi đi tìm nguồn tài trợ ODA” - TS Doanh kể.

Ông cho rằng cần nêu cao vai trò giám sát của Quốc hội, của cộng đồng, thậm chí cộng đồng mạng để giám sát nguồn vốn hiệu quả. Khắc phục hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi, từ khâu thiết kế đến việc thi công đều không được giám sát, phụ thuộc vào nhà tài trợ là không được.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh:

Phải sử dụng vốn ODA đúng mục đích

Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá, khắc phục hạn chế yếu kém về cơ chế chính sách, giải pháp trong quản lý ODA, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chống được thất thoát, lãng phí.

Chính phủ cam kết nỗ lực hết mình để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả nhất. Đâu đó cũng có một vài hiện tượng tiêu cực, sử dụng chưa hiệu quả, chúng tôi đã nghiêm túc xử lý các tổ chức, đối tượng có liên quan đến việc sử dụng nguồn vốn ODA lãng phí, tiêu cực.

VIỆT HÙNG - KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên