Thai phụ đi máy bay phải có xác nhận
Theo quy định tại điều 146 Luật hàng không dân dụng 2006: “Hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình do tình trạng sức khỏe hành khách có thể gây nguy hại cho hành khách đó”.
Quy định này xuất phát từ mục tiêu an toàn tính mạng của chính hành khách chứ không phải nhằm giảm thiểu trách nhiệm cho hãng vận chuyển. Bên cạnh đó, luật và các văn bản dưới luật cũng chưa quy định thế nào là tình trạng sức khỏe không đảm bảo, không quy định cụ thể trường hợp nào từ chối và điều kiện để thai phụ tham gia hành trình trên máy bay là gì.
Do vậy, việc các hãng hàng không tự ý ban hành các quy định trong điều lệ vận chuyển (chỉ có giá trị nội bộ), không công khai in hoặc thông báo cho khách hàng khi mua vé (được xem là hợp đồng giữa hai bên), không cho phép thai phụ lên máy bay nếu không cung cấp được giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện (theo mẫu yêu cầu của hãng hàng không)... là không có cơ sở pháp lý, làm khó khách hàng, phân biệt đối xử, thậm chí có dấu hiệu vi phạm quyền tự do đi lại của công dân được quy định tại điều 23 Hiến pháp 2013.
Để giải quyết tình trạng này, các nhà làm luật nên tìm hiểu thông lệ quốc tế, nhanh chóng luật hóa các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới.
Trong việc luật hóa các quy định này, cần tính toán đến sự phù hợp của thể trạng người Việt, cần tránh việc để các hãng hàng không tùy tiện đặt ra các quy định: sức khỏe như thế nào mới được đi máy bay, thời gian mang thai bao lâu thì không được lên máy bay mà không tính đến quyền lợi của khách hàng.
Các hãng hàng không tôn trọng khách hàng nên chủ động làm việc với cơ quan chức năng và bệnh viện theo hướng tạo sự thuận lợi cho thai phụ và nên tham khảo quy định của hãng hàng không thế giới như US Airways: bảy ngày trước khi sinh thì không được lên máy bay nhằm tạo thuận tiện tối đa cho thai phụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận