09/12/2022 15:10 GMT+7

Cần kiểm soát nhiễm khuẩn đa kháng như dịch COVID-19

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Nhiễm khuẩn đa kháng như một đại dịch thầm lặng và dễ lây lan như COVID-19 với tỉ lệ tử vong cao. Theo nguyên tắc, những bệnh nhân này phải được cách ly như người mắc COVID-19 nhưng việc này tại nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Cần kiểm soát nhiễm khuẩn đa kháng như dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguy cơ lây truyền nhiễm khuẩn đa kháng trong bệnh viện cao, cần phòng ngừa lây nhiễm như dịch COVID-19 - Ảnh: XUÂN MAI

Thông tin này được PGS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam - cho biết tại Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên Hoàn Mỹ năm 2022 vào ngày 9-12.

PGS Anh Thư cho hay nhiễm khuẩn đa kháng đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, có nguy cơ lây truyền cao trong bệnh viện, với tỉ lệ tử vong lên đến 40%. Đây được xem là đại dịch thầm lặng.

“Nhiễm khuẩn đa kháng như một đại dịch thầm lặng, tương tự như dịch COVID-19 vì chúng lây truyền qua đường tiếp xúc. Không những ở bệnh viện và ngay cả ngoài cộng đồng cũng có những vi khuẩn này. Chính vì vậy, chúng ta cần có cuộc chiến chống lại nhiễm khuẩn đa kháng và đưa ra những chương trình quản lý kháng sinh”, PGS Anh Thư nhấn mạnh.

Chia sẻ chi tiết hơn về chương trình quản lý kháng sinh, bà Anh Thư cho hay để chương trình này có hiệu quả thì phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cần áp dụng chính sách phòng ngừa lây nhiễm nhiễm khuẩn đa kháng.

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), trong giai đoạn 2019 - 2021, dù đã thực hiện nhiều chương trình quản lý kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn, tuy nhiên tỉ lệ đề kháng kháng sinh vẫn chưa có khuynh hướng giảm so với những năm trước. Trong đó riêng vi khuẩn E.Coli kháng với hầu hết các loại kháng sinh (từ 40-93%).

Trong khi đó, nhiều bệnh viện trên thế giới kiểm soát nhiễm khuẩn đa kháng như kiểm soát COVID-19.

Lấy ví dụ tại Bệnh viện New York Queens đã triển khai các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn từ lâu như cách ly bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng, giám sát môi trường và thiết bị, tăng cường hướng dẫn vệ sinh, dùng sinh học phân tử xác định khả năng lây truyền...

Những bằng chứng khoa học trên thế giới đã cho thấy việc áp dụng chính sách cách ly phòng ngừa bệnh nhân đa kháng nghiêm ngặt có thể làm giảm có ý nghĩa hoặc thậm chí diệt trừ toàn bộ những nhiễm khuẩn đa kháng trong bệnh viện.

“Theo đúng nguyên tắc thì bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng phải được cách ly ở một phòng riêng biệt như COVID-19 nhưng chúng ta chưa làm được vì lượng bệnh nhân đông, chưa đầy đủ phương tiện…”, PGS Anh Thư chia sẻ.

Để giảm tỉ lệ người nhiễm khuẩn đa kháng tại bệnh viện và cộng đồng, theo PGS Anh Thư, bên cạnh thực hiện chương trình quản lý kháng sinh, việc áp dụng chính sách phòng ngừa lây nhiễm các nhiễm khuẩn đa kháng là rất quan trọng.

Cụ thể như tăng cường vệ sinh tay và môi trường, cách ly bệnh nhân nhiễm khuẩn đa kháng theo quy trình cách ly tiếp xúc bao gồm xếp bệnh nhân vào phòng riêng hoặc khu vực riêng. Nhân viên y tế vào buồng bệnh phải mặc đầy đủ phương tiện phòng hộ và tháo ra trước khi chăm sóc bệnh nhân khác.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho hay luật khám, chữa bệnh đã chính thức đưa mô hình nguyên lý y học gia đình vào khám chữa bệnh cho người dân và xác định rõ vai trò là chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý một số bệnh đặc biệt.

Từ khi có quy định về khám chữa bệnh từ xa đã giúp kết nối bác sĩ tuyến trên với các bác sĩ tuyến dưới, giúp giảm khoảng cách di chuyển cho bệnh nhân, giảm tải bệnh tuyến trên và thúc đẩy bệnh viện tuyến dưới phát triển.

Ông Khoa cho biết thêm, Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa tất cả các cơ sở phòng khám đa khoa, chuyên khoa đều được tham gia khám chữa bệnh ban đầu.

“Không chỉ phòng khám đa khoa, mà phòng khám đa khoa cũng được tham gia khám chữa bệnh ban đầu. Từ đây, niềm tin bệnh nhân đối với những cơ sở khám chữa bệnh ban đầu được nhân lên”, ông Khoa nói.

Sau gần ba năm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, lĩnh vực y khoa có nhiều sự thay đổi và biến động. Sự thay đổi này đã thúc đẩy việc áp dụng số hóa và y học từ xa trở thành một xu hướng mới và là tiền đề để ngành y học phát triển và áp dụng.

Trong mẫu đàm bệnh nhân cho thấy vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng Trong mẫu đàm bệnh nhân cho thấy vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng

TTO - Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh viêm phổi là bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất với hơn 698/100.000 dân. Qua kết quả nghiên cứu trên mẫu đàm bệnh nhân cho thấy sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn ngày càng gia tăng.

<div class="sort-mode-wraper"></div>
XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên