Theo ông Hải, nếu các bước chuẩn bị đề án được suôn sẻ, tháng 10-2013 Quốc hội sẽ ra nghị quyết cho TP thực hiện thí điểm đề án nói trên. Tiếp theo, đến giữa năm 2014, có thể Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh một số địa giới hành chính theo đề nghị của TP. Như vậy, từ cuối năm 2014 đến năm 2015 là giai đoạn chuẩn bị các mặt, kể cả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng chức năng, nhiệm vụ của chính quyền theo mô hình mới và tổ chức bộ máy mới.
Góp ý đề án, ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - nêu thực tế: khi phát hiện một “hố tử thần”, cần xử lý thì có đến 17 cơ quan liên quan gồm điện lực, xây dựng, quận - huyện, cấp nước... Đây là cơ chế quản lý hết sức chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm. Ông tán thành xây dựng chính quyền đô thị với yêu cầu phải khắc phục được những cái dở này.
Với lý do xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM có liên quan thiết thân với cuộc sống của mỗi người dân, nên cần trực tiếp hỏi ý kiến dân, ông Hà Ngọc Trường cho rằng đề án trên cần được thông tin thông suốt đến người dân và hỏi ý kiến họ một cách rộng rãi... Mộc mạc hơn, ông Võ Đăng Tín - tổng thư ký Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP - nói làm sao để dân TP thấy khỏe hơn khi có chính quyền đô thị và chính quyền này phải thật sự vì dân, vì cuộc sống yên bình của dân.
Tiếp thu nhiều ý kiến góp ý tại các hội nghị đã tổ chức gần đây, tại hội nghị lần này ông Trương Văn Lắm - giám đốc Sở Nội vụ TP - trình bày bản đánh giá bước đầu về những tác động của mô hình chính quyền đô thị TP trên các mặt kinh tế, xã hội, đời sống người dân, môi trường đầu tư... Những nội dung này lần đầu tiên được trình bày tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho đề án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận