Cần giải quyết phần gốc

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Tới đây hơn 1.500 sinh viên năm cuối Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM sẽ sang bốn trường ĐH khác (ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM và ĐH Nông lâm thuộc ĐH Huế) để thi và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Đây là chuyện chưa từng có trong lịch sử giáo dục ĐH ở VN.

1.563 SV ĐH Hùng Vương thi, bảo vệ khóa luận tại 4 trường ĐHSinh viên ĐH Hùng Vương sẽ thi tốt nghiệp trong năm naySinh viên ĐH Hùng Vương sẽ thi ở 4 trường ĐH khác

Đến thời điểm này, dù đã biết được hướng giải quyết của Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, nhà trường được cho là “để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của sinh viên” nhưng các sinh viên năm cuối của Trường ĐH Hùng Vương vẫn chưa hết hoang mang. Họ lo lắng vì không biết việc tổ chức thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp sẽ được các trường tổ chức ra sao và phải thi như thế nào. Đành rằng về cơ bản chương trình đào tạo của các trường ĐH gần như nhau, bám theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT nhưng chắc chắn nội dung và cách thức đào tạo của mỗi trường không giống nhau.

Trong công văn trả lời UBND TP.HCM, Bộ GD-ĐT giao cho các trường nêu trên tiếp nhận những sinh viên “có đủ điều kiện và tự nguyện”. Điều này có thể được hiểu ngoài việc đủ điều kiện, sinh viên phải làm đơn xin được thi, bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Vì nếu không làm đơn thì không có cơ sở để biết được sinh viên nào tự nguyện? Điều lạ hơn, trong khi Trường ĐH Sài Gòn không đào tạo ngành quản trị bệnh viện nhưng vẫn tiếp nhận các sinh viên ngành này.

Một nỗi lo nữa là việc cấp bằng tốt nghiệp cho số sinh viên này, vì đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa quyết định. Sau khi thi, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp xong, các trường ĐH nêu trên báo cáo kết quả về Bộ GD-ĐT để quyết định việc cấp bằng tốt nghiệp. Một số giảng viên cho rằng việc quyết định trường nào cấp bằng tốt nghiệp cho các sinh viên này để đảm bảo đúng quy chế không phải chuyện đơn giản.

Nhiều người còn tỏ ra băn khoăn tính hợp pháp của việc chuyển sinh viên sang trường khác thi vì theo quy chế 25 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2006 về đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy quy định “sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa” sẽ không được phép chuyển trường. Như vậy có thể thấy việc Bộ GD-ĐT chấp nhận cách giải quyết này chỉ là giải pháp tình thế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi xây dựng đề án đến khi được công nhận chuyển đổi từ trường dân lập sang loại hình tư thục của Trường ĐH Hùng Vương có quá nhiều vấn đề và làm vội vàng. Chính từ đây, trường đã nảy sinh nhiều bất ổn giữa nhà đầu tư mới với tập thể cán bộ giảng viên và dẫn đến nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được như hiện nay. Điều đáng nói, bản kết luận thanh tra toàn diện Trường ĐH Hùng Vương của Thanh tra TP.HCM cùng những kiến nghị xử lý đã nhận được sự đồng thuận cao của tập thể cán bộ giảng viên, công nhân viên trong trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Đó là chưa kể hàng ngàn sinh viên đang học năm thứ ba của trường cũng đang hoang mang, lo lắng chưa biết tương lai của mình sẽ ra sao. Nhiều sinh viên cho biết họ đã quá mệt mỏi khi phải đối mặt với những thông tin về mâu thuẫn trong nội bộ, tai tiếng của trường. Vì vậy, việc các ngành chức năng cần làm ngay là phải giải quyết gốc rễ của sự việc chứ không chỉ là phần ngọn.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên