“Cần đảm bảo tương lai tích cực cho biển Đông”
TTO - Sáng 19-7, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã lên tiếng thúc giục Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đảm bảo một tương lai tích cực cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp và căng thẳng trên biển Đông hiện nay.
Quyết tâm tạo ra một DOC “thật”ASEAN tiếp tục bàn về giải quyết tranh chấp
![]() |
Các ngoại trưởng ASEAN bắt tay trong phiên khai mạc hội nghị AMM 44 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bali (Indonesia) sáng 19-7 - Ảnh: Khổng Loan |
Là chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 44 (AMM 44) và các hội nghị bộ trưởng mở rộng, Diễn đàn khu vực lần 18 (ARF 18), trong bài phát biểu khai mạc AMM 44 sáng nay tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bali, Tổng thống Yudhoyono đã dành một phần quan trọng để nhấn mạnh sự cần thiết tạo ra các tiến bộ trong xử lý các vấn đề trên biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải, Philippines gọi là biển Tây Philippines).
Ông nói: “Tuyên bố đầu tiên về biển Đông của ASEAN đã ra đời cách đây đã lâu, năm 1992. Phải mất 10 năm sau đó ASEAN và Trung Quốc mới có thể đạt được thỏa thuận Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Nhưng chín năm sau chúng ta vẫn chưa thể hoàn tất các hướng dẫn thực thi DOC”.
Theo nhiều nguồn tin, các hướng dẫn này đang được bàn bạc và hi vọng sẽ có kết quả cuối cùng trong năm nay. “Mọi việc không nhất thiết phải chậm chạp như vậy” - ông nói thêm.
![]() |
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đọc diễn văn khai mạc hội nghị AMM 44 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bali (Indonesia) sáng 19-7 - Ảnh: Khổng Loan |
Là nước không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, Indonesia được xem là quốc gia tích cực trong việc đưa các bên lại gần nhau để xử lý vấn đề đang gây căng thẳng hiện nay, và có nguy cơ tạo ra xung đột vũ trang ở khu vực.
Philippines và Việt Nam gần đây đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của hai nước. Dư luận thế giới và ASEAN đặc biệt quan ngại khả năng xung đột có thể xảy ra trên tuyến đường hàng hải ở khu vực, vì nền kinh tế của tất cả thành viên khu vực đều phụ thuộc việc có đảm bảo được tự do hàng hải và sự ổn định về lưu thông trên biển Đông.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã tham dự lễ khai mạc AMM 44 và phiên họp toàn thể trong ngày hôm nay. Buổi sáng nay, các nguồn tin cho biết đoàn Việt Nam đã gặp song phương đoàn Philippines. |
Tổng thống Yudhoyono thúc giục các bên “đi nốt quãng đường cuối cùng còn lại” để cho ra một thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin với nhau. “Chúng ta cần phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng tương lai của biển Đông là có thể dự báo được, có thể quản lý được và tích cực”.
Ông kêu gọi các bên nhanh chóng hoàn tất hướng dẫn thực thi DOC để đi tới bước tiếp theo, tức là thỏa thuận các quy tắc nằm trong Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).
AMM 44 sẽ họp trong ngày hôm nay để các bộ trưởng ngoại giao bàn bạc, thảo luận về những vấn đề của khu vực và thế giới, chuẩn bị các hội nghị cấp cao của ASEAN cuối năm 2011. Các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về hành trình hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015, việc áp dụng Hiến chương ASEAN.
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ thảo luận cho việc chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 19 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan diễn ra tại Indonesia vào cuối năm nay, cũng như sự ra đời của Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải, tương lai của Liên kết ASEAN.
![]() |
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm, trưởng đoàn Việt Nam tham dự AMM 44 (thứ 5 từ trái sang), cùng các ngoại trưởng ASEAN và tổng thư ký ASEAN thưởng thức bài hát chính thức của khối ASEAN trong phiên khai mạc hội nghị AMM 44 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Bali (Indonesia) sáng 19-7 - Ảnh: Khổng Loan |
Vào ngày mai 20-7, trong các hội nghị bộ trưởng mở rộng, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN dự kiến sẽ gặp các đối tác đồng cấp từ Úc, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ dưới hình thức gặp từng nước (ASEAN + 1).
Các hội nghị liên quan giữa ASEAN và đối tác đối thoại ở cấp bộ trưởng, như Mekong - Nhật, hạ lưu Mekong - Mỹ, đối thoại Tây Nam Thái Bình Dương cùng nhiều cuộc gặp hai bên, ba bên khác cũng sẽ diễn ra.
Trong ngày cuối cùng của loạt hội nghị vào ngày 23-7, ARF 18 sẽ có sự tham gia của 27 nước, trao đổi quan điểm về những thay đổi gần đây ở khu vực và quốc tế, hướng đi tương lai của ARF và các kế hoạch hành động đề xuất cho an ninh hàng hải, không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
KHỔNG LOAN (Từ Bali, Indonesia)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận