Và nhất là tiếng nói của người dân sẽ được lắng nghe nhiều hơn.
Phóng to |
Nhiều ý kiến ủng hộ việc đưa kiến nghị cử tri cũng như hướng giải quyết lên website của HĐND TP.HCM - Ảnh: Q.Khải |
* Ông ĐẶNG VĂN KHOA (nguyên đại biểu HĐND TP.HCM):
Nên sớm có nghị quyết về vấn đề này
Hơn chục năm với cương vị là người đại biểu HĐND TP, tiếp nhận rất nhiều kiến nghị của cử tri ở nhiều lĩnh vực, chưa kể những khiếu nại tố cáo, tôi thấy tuy những kiến nghị này được chuyển đến các cơ quan chức năng nhưng phần lớn rơi vào quên lãng, việc giám sát, theo dõi giải quyết từng kiến nghị chưa thực hiện triệt để. Việc này cũng làm các đại biểu HĐND cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri.
Vì vậy, việc đưa kiến nghị cử tri lên website của HĐND TP là việc làm cần thiết, đúng hướng và chắc chắn sẽ được đông đảo cử tri ủng hộ. Vấn đề là khi đưa ý kiến cử tri lên website phải khách quan, trọn vẹn và phải được phân loại theo từng chủ đề để chuyển đến từng cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Kết quả giải quyết tới đâu, ở mức độ nào, khi nào giải quyết xong cũng phải công khai thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng, khách quan trên website. Khi đó, đại biểu HĐND TP cũng có điều kiện theo dõi, giám sát và có thể trả lời những cử tri không có điều kiện theo dõi. Nếu làm được điều này không chỉ tạo được niềm tin đối với cử tri mà còn giúp người đại biểu HĐND hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, gắn kết hơn với cử tri. Ngược lại, cử tri cũng có điều kiện đánh giá hiệu quả công việc của đại biểu HĐND TP.
Ngay từ bây giờ HĐND TP phải nhanh chóng lên kế hoạch cụ thể hóa cho việc đưa ý kiến cử tri lên website vì việc này nằm trong tầm tay. Tuy nhiên để có tính chất pháp lý cao, HĐND cần thảo luận và ra một nghị quyết riêng cho vấn đề này.
* Ông TRẦN TRỌNG DŨNG (đại biểu HĐND TP.HCM):
Tạo sự tương tác lớn
Không chỉ đại biểu Lê Mạnh Hà mà bản thân tôi cũng cảm thấy rất áy náy khi nhiều kiến nghị của cử tri rơi vào thinh lặng, kiến nghị rồi nhưng không biết “nằm” ở đâu. Đồng thời, ngay cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân cũng không biết người dân đánh giá thế nào về việc mình đã làm.
Đưa ý kiến của người dân lên website HĐND sẽ tạo ra sự tương tác rất lớn giữa người kiến nghị, người trả lời và những người theo dõi, vì tất cả đều minh bạch, ai cũng theo dõi được 24/24 giờ. Sự tương tác đó sẽ là một áp lực buộc nơi có trách nhiệm trả lời vấn đề kiến nghị phải làm việc có trách nhiệm hơn.
Tất nhiên đây không phải là kênh tiếp nhận thông tin duy nhất, người dân không tiếp cận Internet vẫn sử dụng kênh truyền thống để chuyển tải ý kiến. Khi có sự kết nối này trên website thì sẽ có tác động thúc đẩy tiến độ giải quyết cả những kiến nghị được chuyển qua những kênh khác.
Người dân mong muốn từ lâu 27 ý kiến phản hồi của bạn đọc có nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra việc đưa kiến nghị của dân lên website phải được áp dụng từ lâu rồi. * Tôi ủng hộ và hoan nghênh ý kiến này của ông Lê Mạnh Hà. Sao tiếng nói của người dân lại không được công khai? Sao lại có khái niệm “cử tri chuyên nghiệp” được lựa chọn để gặp các vị đại biểu nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong khi chưa chắc họ đã nói hết tiếng nói của người dân? Hãy để tiếng nói của người dân được công khai trên website. * Cứ nói Chính phủ điện tử mà sao áp dụng chưa được bao nhiêu? Ý kiến của ông Hà chính là điều người dân mong muốn từ lâu rồi, và lẽ ra phải được áp dụng từ lâu. Nếu không nghe dân nói thật, chính quyền sẽ khó vạn lần khi thực hiện. Ý kiến của dân cũng có khi chưa đúng, nhưng phần nhiều là chính xác. Đưa lên website sẽ nhanh, tiện, đỡ bao thời gian công sức họp hành để lắng nghe ý kiến cử tri. * Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án của ông Hà. Tuy nhiên ông mới chỉ nói đến tiến độ trả lời, nội dung trả lời các vấn đề. Còn một vấn đề mà cử tri cả nước rất quan tâm cũng cần đưa lên website là kết quả của việc thực hiện các câu trả lời như thế nào, hay là cử tri thắc mắc, đại biểu trả lời, sang kỳ họp sau vẫn lại câu hỏi đó được thắc mắc nhưng người trả lời lại là người khác... * Dù đưa lên báo hay gì đi nữa cũng không tiện lợi và nhanh chóng bằng website. Khi ta muốn nước mình trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin thì trước hết phải chịu áp dụng đã. Việc đưa các thông tin chất vấn, đề xuất hay góp ý của người dân lên website sẽ tạo điều kiện dễ nhất để người dân theo dõi liệu những thông tin chất vấn của mình có được xem qua chưa, có đang được giải quyết không, đã giải quyết xong chưa, giải quyết hiệu quả đến đâu, lịch trình giải quyết, giải quyết bởi ai... Đưa lên website thì phải hiện rõ nội dung và tình trạng giải quyết như vậy, chứ nếu đưa lên rồi chỉ trả lời có hoặc không thì cũng bằng thừa! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận