20/12/2018 09:15 GMT+7

Cần cơ chế để mini bus hoạt động

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tại hội thảo “Mini bus với giao thông đô thị” do kênh VOV giao thông tổ chức chiều 19-12, các chuyên gia giao thông đều nhất trí mini bus (xe buýt nhỏ, sức chứa từ 10 - 16 người) là cần thiết cho các đô thị của Việt Nam.

Cần cơ chế để mini bus hoạt động - Ảnh 1.

Xe buýt lớn di chuyển khó khăn trên đường Trần Cung, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy nhiên theo các chuyên gia, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để xe buýt nhỏ hoạt động.

Theo TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải - Bộ GTVT, hệ thống đường giao thông trong khu vực vành đai 1 thủ đô Hà Nội chủ yếu là đường hẹp, chiều rộng dưới 7m chiếm trên 70%.

Trong khi đó, Hà Nội có 1.546 xe buýt các loại nhưng chủ yếu là xe buýt cỡ lớn, xe loại nhỏ 24 chỗ chỉ có 61 xe, chiếm 4%. Tại TP.HCM, hiện có 144 tuyến xe buýt với 2.603 xe hoạt động, nhưng xe buýt loại nhỏ chiếm tỉ lệ chỉ khoảng 10%.

Ông Chung nhận định sự hiện diện của những xe buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, gây ùn tắc giao thông. Do đó, việc phát triển mini bus có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống nhằm kết nối tới xe buýt bình thường hay metro trong tổng thể mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội và TP.HCM là cần thiết.

"Mini bus không phải là cứu cánh mà là sự kết hợp giữa các loại hình vận tải đô thị từ nhà dân ra tới các tuyến buýt trục, metro, phù hợp với 70% lượng đường nhỏ, ngõ hẹp trong đô thị hiện nay ở Hà Nội, TP.HCM" - ông Chung nói.

Cùng quan điểm trên, TS Trần Hữu Minh - phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho rằng mini bus là giải pháp cần thiết và khả thi để đáp ứng việc người dân đi từ nhà đến điểm đón các phương tiện công cộng khác.

Kinh nghiệm từ các nước là miễn phí cho hành khách, có lộ trình kết nối hợp lý với phương tiện khác và tạo không gian đi bộ thuận tiện để thu hút người dân sử dụng xe buýt nhỏ.

Ông Nguyễn Công Nhật - phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội - cho biết đơn vị này có khai thác 11 tuyến sử dụng xe buýt nhỏ loại 30 chỗ với 105 xe. Số xe này chiếm 6,5% lượng xe buýt đang khai thác nhưng chỉ phục vụ được 3% lượng khách.

Tuy nhiên, ông Nhật thừa nhận vai trò của mini bus trong kết nối vận tải công cộng là cần thiết. Nhưng với hệ số hoạt động thấp và phạm vi hoạt động không nhiều, ông Nhật kiến nghị cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho mini bus, có chính sách hỗ trợ đầu tư phương tiện, lãi vay để thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị TP Hà Nội, cho biết nghị quyết của HĐND TP có nội dung phát triển mini bus để kết nối với xe buýt thông thường.

Trong năm 2019, Hà Nội có thể thí điểm 1-2 tuyến mini bus. Ngoài chính sách, trợ giá để doanh nghiệp đầu tư mini bus, ông Hải cho rằng cần có giá vé hấp dẫn người dân.

"Ví dụ, tôi đi xe máy từ nhà ra chỗ gửi xe đi xe buýt mất 5.000 đồng tiền gửi xe thì giá vé mini bus ít nhất phải bằng hoặc thấp hơn tiền gửi xe máy tôi mới đi" - ông Hải dẫn chứng.

Theo ông Vũ Văn Viện - giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay Hà Nội có gần 100 khu đô thị, tập thể phù hợp triển khai mini bus. Dự kiến giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội có thể triển khai khoảng 30 tuyến mini bus.

Trong đó, khu vực phố cổ, phố cũ khoảng 10 tuyến; các trục đường mặt cắt ngang nhỏ thuộc Q.Thanh Xuân, Q.Hà Đông khoảng 5 tuyến; tới các khu đô thị khoảng 15 tuyến.

Ông Viện cũng cho biết Sở GTVT Hà Nội sẽ khảo sát về nhu cầu, hạ tầng tại các khu vực dự kiến triển khai mini bus để xây dựng cụ thể kế hoạch mở tuyến, trình UBND TP xin ý kiến chỉ đạo.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên