11/07/2014 11:30 GMT+7

Cần chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị

CHÍ QUỐC - NGỌC TÀI
CHÍ QUỐC - NGỌC TÀI

TT - Đó là giải pháp mà ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cần Thơ, đưa ra tại phiên chất vấn ngày 10-7 kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, khi có đại biểu đề nghị tìm giải pháp kéo giảm chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.

wBB7ebtO.jpg
Đại biểu lo lắng khoảng cách giàu nghèo giữa người dân nông thôn và thành thị ở TP Cần Thơ có sự chênh lệch lớn. Trong ảnh: Nông dân huyện Cờ Đỏ thu hoạch lúa hè thu năm 2014 - Ảnh: Chí Quốc

Cùng ngày, kỳ họp HĐND tỉnh Bến Tre và HĐND tỉnh Vĩnh Long cũng bước vào phần chất vấn.

“Riêng ngành nông nghiệp thôi thì ngàn đời không làm được”

Chất vấn giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cần Thơ, đại biểu Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - nêu ra thực trạng: “Đến nay thu nhập bình quân đầu người của TP Cần Thơ đạt 60 triệu đồng/năm nhưng ở các huyện thuần nông thì chỉ 25 triệu đồng/năm. Điều này cho thấy có sự chênh lệch lớn về giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị. Giám đốc có giải pháp nào tham mưu UBND TP giảm chênh lệch này, nâng cao đời sống của người dân nông thôn?”. Đáp lại, ông Quỳnh nêu quan điểm: “Tôi nghĩ riêng ngành nông nghiệp không thôi thì ngàn đời không làm được vì bình quân ruộng đất của dân thấp. Để giải quyết vấn đề này cần nhiều biện pháp của toàn xã hội như đào tạo nghề, chuyển dịch lao động thế nào để tăng thu nhập ở nông thôn. Thời gian qua kinh tế có nhiều linh động nhưng thu hút nghề từ nông thôn ra thành thị còn hạn chế. Hướng tới cần chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị nhiều hơn thì mới tăng thu nhập cho nông hộ”.

Đại biểu Lê Văn Bảnh cũng đặt câu hỏi: “Hiện nông dân đang bức xúc trước việc quản lý chất lượng vật tư như phân bón, giống kém chất lượng, không có nguồn gốc, giám đốc có giải pháp gì trong việc ngăn chặn vấn đề này?”. Ông Quỳnh nêu khó khăn: “Tại sở chỉ có năm thanh tra viên, tính ở các đơn vị trực thuộc nữa thì có khoảng 10 thanh tra viên và những người này đã làm hết sức. Qua ba đợt thanh tra ở một số cơ sở thấy có vi phạm nhưng chủ yếu ở nhãn hàng hóa nhưng chưa thấy có dấu hiệu làm giả. Bà con có phản ảnh nhưng ngành đánh giá hằng tuần, hằng tháng thì chưa có vấn đề lớn”. Sau phần trả lời này của ông Quỳnh, đại biểu Nguyễn Phương Hồng nói: “Thời gian qua tiếp xúc cử tri, lần nào bà con các huyện cũng kiến nghị xử lý việc làm giả sản phẩm vật tư nông nghiệp nhưng qua trả lời của đồng chí giám đốc thì tình trạng này ở Cần Thơ rất nhỏ, chủ yếu là giảm chất lượng... Tôi cho rằng xử phạt đại lý bán thuốc giả là cần thiết nhưng cái cần thiết nhất là giúp dân làm sao phân biệt được hàng giả”. Ông Quỳnh khuyên: “Đề nghị bà con có phát hiện thuốc, phân bón giả thì báo ngay cho cơ quan chức năng và nên mua có nơi có chỗ, mua nhãn hiệu có uy tín và tránh vì ham rẻ mà mua”. Theo ông Quỳnh, nếu phát huy vai trò chủ động của nông dân cùng với sự quản lý của địa phương thì sẽ loại dần thuốc, phân bón giả...

Bến Tre: “bội thực” danh hiệu văn hóa

Ngày 10-7, tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Bến Tre, đại biểu Lê Văn Em chất vấn: “Việc công nhận danh hiệu xã văn hóa hiện nay rất bất cập. Các anh đừng làm cái kiểu cấp bằng xã văn hóa là có giá trị muôn đời. Nhiều xã văn hóa nhưng có nhiều tệ nạn xã hội vậy là có thực chất không?”.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch HĐND tỉnh, còn cho rằng hiện nay có tình trạng “bội thực” danh hiệu văn hóa. “Hết xã văn hóa rồi đến xã văn hóa nông thôn mới rồi lại xã nông thôn mới nhưng đời sống của người dân, môi trường văn hóa thì ngày càng xuống cấp. Liệu những danh hiệu này mang lại lợi ích gì cho người dân?” - ông Phong đặt vấn đề.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Ngọc Tam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng xã văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới là nền tảng xây dựng xã nông thôn mới. Ông Tam cũng thừa nhận có một số địa phương sau khi được công nhận xã văn hóa thì có sa sút văn hóa, nhưng phần lớn là được nâng lên. Ông Tam cam kết sẽ kiểm tra lại những xã văn hóa xuống cấp về văn hóa. Nếu xã nào không đạt sẽ kiên quyết rút bằng công nhận.

Ở lĩnh vực khác, đại biểu Trần Công Danh chất vấn: “Dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai được đầu tư hàng trăm tỉ đồng để khai thông dòng chảy, mở rộng lưu lượng dòng sông. Tại sao Sở Giao thông vận tải cấp phép cho Công ty TNHH Hoàng Thy lập bến thủy nội địa, đổ đất lấn sông Ba Lai?”. Ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho rằng việc cấp phép cho Công ty Hoàng Thy lập bến thủy nội địa là đúng quy định, nhưng trong quá trình hoạt động xếp dỡ hàng hóa, doanh nghiệp này đã làm rơi vãi cát đá lâu ngày làm cạn lòng sông. Sau đó, doanh nghiệp này đã tự ý gia cố bến, lấn dần ra sông, xây dựng các khung thép để làm băng chuyền vượt khỏi phạm vi vùng nước cho phép. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu chủ bến tháo dỡ toàn bộ khung thép và nạo vét khu vực trước bến để trả lại đúng hiện trạng ban đầu...

Vĩnh Long: một nhà máy nước giải quyết 10 năm chưa xong

Tham gia chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Long, đại biểu Nguyễn Thị Cẩm Hồng (huyện Long Hồ) cho rằng từ lâu nay người dân sống ven quốc lộ 1 thuộc xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ sử dụng nước được cung cấp từ nhà máy nước tư nhân Trương Vách nhưng chất lượng nước không đảm bảo. Vấn đề này đã được đặt ra rất nhiều lần tại các kỳ họp HĐND nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Tính ra tới nay cũng hơn 10 năm mà chưa giải quyết được những kiến nghị, bức xúc chính đáng của người dân thì chúng ta phải xem lại” - bà Hồng nói.

Giải trình vấn đề này, ông Trương Văn Sáu, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết do thời gian qua vướng quy định, nghị định của Chính phủ về việc đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nên rất khó xử lý. Đồng thời, nhiều lần ngành chuyên môn kiểm nghiệm chất lượng nước của nhà máy này thì đều đạt nên không thể xử lý được. Ông Sáu hứa tỉnh sẽ có hướng giải quyết dứt điểm vấn đề này.

THÚY HẰNG

CHÍ QUỐC - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên