* Lập tổ liên ngành về đàm phán giá điện
Theo ông Alain Cany - chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), VN sẽ cần 160 tỉ USD từ nay đến năm 2020 để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, bao gồm hệ thống giao thông, cầu đường, nhà máy điện, hệ thống cung cấp nước và xử lý chất thải. Ông cho rằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động từ trái phiếu chính phủ, ODA chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu đó, một nửa còn lại sẽ phải đến từ các doanh nghiệp. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngần ngại vì các yêu cầu hành chính phức tạp, thiếu minh bạch trong quy trình đấu thầu, giải phóng mặt bằng tốn thời gian và tiền bạc.
Đặc biệt, về việc cung cấp điện, EuroCham thúc giục VN xây dựng thị trường điện cạnh tranh trước năm 2015. Trao đổi với báo chí bên lề, ông Phạm Hùng - vụ phó Vụ Năng lượng của Bộ Công thương - cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công thương thành lập tổ liên ngành về đàm phán giá điện. “Khi EVN và nhà đầu tư đàm phán mà có khó khăn thì báo cáo lên Bộ Công thương và tổ liên ngành sẽ xem xét, quyết định. Nhưng đến nay, tổ liên ngành chưa thấy nhà đầu tư gửi lên Bộ Công thương đề nghị can thiệp” - ông Hùng nói.
Về tình trạng thua lỗ của Nhà máy điện Hiệp Phước, ông Hùng cho biết: “Hiện nay chúng tôi có mấy hướng xử lý: cấp nguồn khí cho Hiệp Phước, xem xét giá bán và từng bước để EVN đầu tư, tiếp nhận. Theo báo cáo của Hiệp Phước, do giá dầu tăng rất cao trong khi giá điện ký với khách hàng không thay đổi nên dẫn đến thua lỗ”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết sẽ tiếp thu, ghi nhận các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ trao đổi tiếp với quý vị trong kỳ họp tiếp theo và cũng có thể có những sửa đổi bổ sung, hoàn thiện pháp luật của chúng tôi” - ông Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận