29/10/2017 11:46 GMT+7

'Cảm ơn đôi mắt ân tình'

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - “Con mới chào đời, đôi mắt đã khép kín. Không thấy mặt trời, cũng chẳng thấy mẹ cha. Rồi một ngày kia, con nhìn thấy mặt trời, bằng đôi mắt ân tình - của mọi người xung quanh...”

Cảm ơn đôi mắt ân tình - Ảnh 1.

Các em khiếm thị vui khi được tặng gậy dò đường tại lễ trao học bổng Ánh Sen được tổ chức tại báo Tuổi Trẻ sáng 28-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên sân khấu của học bổng Ánh Sen, Ngọc Yến (13 tuổi), Minh Quốc (12 tuổi) nắm tay các em nhỏ hơn, đôi chân cùng nhún theo giai điệu của bài hát "Cảm ơn đôi mắt ân tình".

"Con không có mẹ"

Lúc bài hát vừa được giới thiệu xong, Yến, Quốc và các bạn đã được các sơ, các dì dẫn ra xếp hàng sẵn ở bên cánh gà, em sau đặt hai tay nắm vai em trước dò dẫm bước lên bục sân khấu. 

Giống như hơn 300 em nhỏ còn lại trong khán phòng của chương trình trao học bổng Ánh Sen, nhóm ca sĩ nhí cũng đều là những em nhỏ khiếm thị đang sống trong vòng tay yêu thương của các dì, các sơ trong các mái ấm, nhà mở. Kết thúc bài hát, khán giả vỗ tay rần rần, Quốc có vẻ rất vui.

Quốc kể em đã ở mái ấm Nhật Hồng gần ba năm nay, đã cùng với các bạn lên sân khấu diễn rất nhiều bài hát, từ dịp trung thu đến dịp giáng sinh, dịp khai giảng... nên không thấy run. 12 tuổi nhưng năm nay Quốc mới học lớp 2 "vì quê con ở Bình Định không có trường dạy nên con không được đi học". 

Được đón vào Nhật Hồng, những ngày đầu Quốc cũng khóc sưng mắt vì nhớ nhà nhưng "giờ con quen rồi". Ở đây Quốc cũng có bạn thân, được đi học, được các sơ dạy học hát, học chơi organ.

Trong hội trường, rất nhiều em nhỏ cũng phải sống xa gia đình như Quốc. Có em cha mẹ ở tận Thanh Hóa, Ninh Bình, chỉ có dịp tết mới được về nhà. Hỏi đến cha mẹ đứa nào cũng nhao nhao: "Mẹ con làm đậu hũ", "Ba con làm xe ôm", "Ba con làm thợ sửa xe"... Nhưng khi hỏi đến mẹ thì Bùi Lâm Nhật (9 tuổi, ở Khánh Hòa) ngập ngừng: "Con không có mẹ". 

Nhật kể: "Con chỉ có cha, cha con chạy Grab nên chỉ cuối tuần mới về nhà với cha". Còn những ngày ở mái ấm, Nhật được các sơ, các dì chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, đưa đón đến trường cùng các bạn.

"Con thích đi chơi. Hôm nay được lên đây nhận học bổng cũng tính là được đi chơi rồi" - Nhật nói. Nhật thuộc tên tất cả các bạn trong mái ấm, từ Đô đến anh Huy, Quỳnh Anh đến Thanh Thúy...

Vừa đọc tên từng bạn, Nhật vừa đưa tay sang chỗ anh Đô đang ngồi bên cạnh khoe: "Anh Đô hay chơi lắp ráp xe với con. Anh Đô là thiên tài ráp xe. Ảnh ráp xong thì đưa cho con chơi".

Ân tình gửi trao

Lúc nghe Yến, Quốc hát Cảm ơn đôi mắt ân tình, ở bên dưới nhiều người không kìm được xúc động, mắt rơm rớm. 

"Hai năm biết đến học bổng này, đã biết nhiều về hoàn cảnh của các con. Sinh ra đã chịu thiệt thòi với đôi mắt không biết đến ánh sáng, gia đình đứa nào cũng nghèo. Đứa thì không có mẹ, đứa lại không có cha, có đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nay nghe các con hát, nhìn các con nhỏ bé trên sân khấu hát ra những lời hát như thế làm sao không khóc được" - bà Nguyễn Thị Huệ (66 tuổi), một trong hơn 100 ân nhân đóng góp vào học bổng Ánh Sen, chia sẻ. 

Hôm nay bà cũng đi cùng nhiều bạn bè trong Câu lạc bộ Gia đình hóa học và bạn hữu. Họ đều là những ông, bà đã hưu trí, là bạn học cũ học ngành hóa học những lứa đầu tiên của Trường Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) thương cảm hoàn cảnh của những đứa trẻ không may mắn.

Đi cùng với các ân nhân còn có cả con trai, con gái của họ. Anh Nguyễn Kiến Trúc Giang (31 tuổi, tiến sĩ công nghệ sinh học) đang học tập và làm việc ở Singapore, vừa mới về tới sân bay là đi ngay cùng mẹ - bà Nguyễn Thị Lan (64 tuổi) đến lễ trao học bổng. 

Bà Lan kể các ông bà trong CLB thường có các hoạt động cộng đồng nên bà rủ con trai tham gia. Còn chị Nguyễn Khương Minh Tú (26 tuổi) hôm nay lại thay mặt cha mang theo 10 suất học bổng mà hai cha con cùng góp với nhau để trao cho các em.

Chị Lê Thị Thanh Thúy (ngụ Q.10) dẫn cô con gái nhỏ Phương Minh (5 tuổi) lên sân khấu, Minh lũn cũn cầm theo những suất học bổng được mẹ để ngay ngắn trong phong bì trao tận tay các bạn. Chị Thúy nói cả nhà chị từ cha mẹ đến gia đình anh trai, em gái trong nhà đã cùng chia sẻ, ủng hộ cho học bổng Ánh Sen từ 5 năm trước. 

"Lần nào tôi cũng vận động thêm bạn bè đồng nghiệp trong công ty và cả người thân trong gia đình bên chồng cùng tham gia" - chị kể.

17 năm học bổng Ánh Sen là bao ân tình của những người vẫn may mắn có đôi mắt sáng và tấm lòng sẻ chia gửi đến các em nhỏ bất hạnh, giúp các em có thêm niềm tin bước trên đường đời.

Trao 329 suất học bổng Ánh Sen

Lễ trao học bổng Ánh Sen lần thứ 17 được tổ chức tại hội trường báo Tuổi Trẻ với sự có mặt của gần 330 em học sinh khiếm thị đang theo học tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM).

329 suất học bổng trị giá 1,5 triệu đồng/phần từ tấm lòng của hơn 100 ân nhân, nhà hảo tâm, những người đã đồng hành cùng với các em trong nhiều năm qua đã được trao tận tay các em nhỏ.

Chị Nguyễn Hướng Dương - giám đốc Thư viện sách nói, đơn vị tổ chức học bổng - cho biết năm nay Thư viên sách nói còn có thêm hai chương trình khác phục vụ người mù là dạy tin học và tặng cây gậy dò đường.

Tại lễ trao học bổng, 710 cây gậy dò đường trong lần vận động đầu tiên đã được trao cho các em.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên