Học sinh tiểu học tại một tiết học theo mô hình trường học mới - Ảnh: VĨNH HÀ
Tháng nào sổ liên lạc của con cũng bị cô phê thụ động trong giờ học. Tôi trao đổi riêng với cô, nhờ cô gọi con tôi phát biểu thường xuyên để cháu mạnh dạn dần. Cô hứa nhưng rồi chẳng nhớ.
Lớp 1 rồi tới lớp 2, chẳng cô giáo nào có thể giúp con tôi vượt qua nỗi sợ hãi. Tôi rất thông cảm với các cô. Học sinh đông, thời gian thì có hạn. Các bạn con nhanh nhẹn, nói rõ lời, cô mời phát biểu sẽ không làm mất thời gian. Con mình nhút nhát đành chấp nhận thôi. Khổ là thằng bé chẳng có hứng thú học hành và rất ít bạn bè.
Vào năm lớp 3, mới tuần đầu tiên con tôi đã hớn hở khoe: "Cô khen con đó mẹ". Nhìn vẻ mặt sung sướng của con, trái tim người mẹ như nghẹn lại. Tuy chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng tôi đã thầm cảm ơn cô giáo.
Thì ra cô cho bài toán nâng cao, không ai trả lời được. Con tôi biết nhưng không giơ tay. Thấy con tôi nhấp nhỏm trên ghế, cô đã hỏi và con trả lời được. Cô nói: "Ồ, nhân tài của lớp ta đây rồi. Lần sau con phải mạnh dạn giơ tay nhé". Để khuyến khích, cô thưởng cho con tôi ba viên kẹo. Cô còn nói cô có rất nhiều kẹo đang chờ con nhận.
Từ nhỏ tới giờ, chưa cô giáo nào nói với con như thế. Điều đó với con như liều thuốc trị liệu. Từ hôm đó, con tôi rất hứng thú học tập. Con mong trời mau sáng để tới trường. Con được cô thường xuyên mời phát biểu, còn bầu làm tổ trưởng, rồi lớp phó học tập.
Tính nhút nhát của con dần biến mất và ngày càng nhiều bạn kết thân với con. Ba viên kẹo đó con tôi không nỡ ăn, để trên bàn học suốt mấy tháng. Mỗi ngày nhìn ba viên kẹo, mẹ con tôi đều rất vui. Tôi rất biết ơn cô giáo.
Truyền kiến thức cho học trò thì dễ, truyền cảm hứng mới khó. Chỉ những thầy cô giáo có tâm và đủ yêu thương mới làm được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận