07/03/2021 12:11 GMT+7

Cảm hứng bất tận từ những người hùng đời thường

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Họ chỉ là những người bình thường như bao người khác, nhưng khi chứng kiến những giờ khắc bi thảm của đồng loại, hoặc không thể bất lực trước sự ngạo nghễ của cái ác…, lương tri của họ bỗng thức tỉnh.

Và cũng trong chính giây phút ấy, họ trở thành những người hùng vĩ đại của đời thường. Điện ảnh đã có vô số bộ phim khơi lên niềm cảm hứng bất tận về những người hùng bình dị như thế.

Cảm hứng bất tận từ những người hùng đời thường - Ảnh 1.

Liam Neeson (vai Oskar Schindler) trong phim Schindler’s List (1994) - Ảnh: IMDb

Cứu được một mạng người là cứu được cả thế giới

Để nhắc đến một kiệt tác điện ảnh về người hùng vĩ đại của đời thường, chắc chắn phải nói tới Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) - tác phẩm đã chiến thắng 7 giải Oscar năm 1994, trong đó có giải phim và đạo diễn xuất sắc nhất.

Câu tagline của bộ phim lấy từ một câu nói của người Do Thái: "Ai cứu được một mạng người thì người đó cứu được cả thế giới". Bản danh sách của Schindler là một bộ phim đen trắng dài tới 195 phút và bóp nghẹt trái tim người xem bởi sức nặng của câu chuyện có thật này qua ngôn ngữ điện ảnh mang tính biểu tượng bậc thầy của đạo diễn Steven Spielberg. 

Nó là một bộ phim nói về sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của cái ác và cả sự tuyệt vọng đến tận cùng của tình thế con người trước cái ác. Nhưng đồng thời, bộ phim sáng lên khi một người hùng của đời thường xuất hiện.

Oskar Schindler (Liam Neeson đóng) - một doanh nhân người Đức tham lam và hiếu chiến, rất đáng ghét ở phần đầu phim, nhưng khi chứng kiến hàng triệu người Do Thái bị giết chết thảm thương trong các trại tập trung của phát xít Đức, ông đã thay đổi. Đó là một cuộc lột xác của tâm hồn, một kẻ từ bóng tối bước ra ánh sáng khiến người xem xúc động vô bờ.

Oskar Schindler cùng với viên thư ký người Do Thái của mình (Ben Kingsley đóng) đã lên một danh sách dài, gọi là "Bản danh sách của Schindler", với mục đích đưa các nạn nhân Do Thái vào nhà máy của mình lẩn trốn. Và nơi đây trở thành mái nhà che chở cho họ trong những năm tháng tận cùng bi thảm. 

Schindler đã cứu được hơn 1.100 người Do Thái khỏi các trại tập trung ở Auschwitz và từ 1.100 người Do Thái đó sau chiến tranh phát triển thành một cộng đồng hơn 6.000 người. 6.000 người Do Thái được cứu sống đó mãi nhiều năm về sau vẫn xếp đá lên mộ của Oskar Schindler để bày tỏ lòng biết ơn trước một con người chính trực, một con người vĩ đại.

Thế nhưng ở đoạn kết bộ phim, Schindler vẫn giày vò và ân hận vì không thể cứu thêm được vài mạng sống của người Do Thái nữa. Người đàn ông vĩ đại ấy, trong giây phút ân hận, đã khuỵu xuống và khóc nức nở như một đứa trẻ. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng đã nâng tầm Schindler’s List lên một tầm cao mới trong những đỉnh núi của nghệ thuật thứ 7.

Sức mạnh của tình người

Cảm hứng bất tận từ những người hùng đời thường - Ảnh 2.

Jessica Chastain (vai Antonina Zabinska) trong phim The Zookeeper’s Wife (2017) - Ảnh: IMDb

Cũng chung chủ đề về diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến 2, bộ phim The Zookeeper's Wife (2017) là một tác phẩm nói về sự thức tỉnh của lương tri trước cái ác. Một cặp vợ chồng chủ sở hữu vườn thú ở Warsaw (Ba Lan) đã biến nơi này thành nơi lẩn trốn của hơn 300 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái trước sự truy lùng gắt gao của Đức Quốc xã. 

Chỉ cần một giây bất cẩn, tính mạng của cả 300 con người lẫn gia đình người chủ vườn thú đều như mành treo chuông, nhưng hai vợ chồng họ vẫn bất chấp hậu quả để cứu người ngay trước mũi kẻ thù. Hình ảnh người phụ nữ bé nhỏ và thậm chí hơi yếu đuối Antonina Zabinska (Jessica Chastain đóng) vẫn dang rộng vòng tay để cứu từng người một khiến người xem lay động về sức mạnh của tình người.

Cảm hứng bất tận từ những người hùng đời thường - Ảnh 3.

Don Cheadle (vai Paul Rusesabagina) trong phim Hotel Rwanda (2004) - Ảnh: IMDb

Năm 2004, trong bộ phim Hotel Rwanda của đạo diễn Terry George, dựa theo câu chuyện có thật kể về vụ tàn sát cộng đồng người Tutsi, cũng xuất hiện một người anh hùng bình dị được gọi là "Schindler’s List" ở Rwanda. 

Năm 1994, khi cuộc giao tranh sắc tộc đẫm máu giữa hai cộng đồng người Hutu và người Tutsi ở Rwanda khiến hàng trăm ngàn người bị giết chết, Paul Rusesabagina (Don Cheadle được đề cử Oscar nhờ vai này) - một người quản lý khách sạn bình thường thuộc cộng đồng người Hutu - đã mở cửa khách sạn để cứu mạng cho hơn 1.200 người, bất chấp họ thuộc cộng đồng sắc tộc nào. 

Hành động của Paul vô cùng nguy hiểm, nhất là bên anh còn có người vợ và bốn đứa con nhỏ cần được bảo vệ, khi bạo lực xung quanh họ đang tiếp tục leo thang và trở thành cuộc diệt chủng đẫm máu ở Rwanda.

Schindler, Antonina Zabinska hay Paul Rusesabagina đều là những con người bình thường như bao chúng ta, nhưng chính trong giây phút họ thức tỉnh lương tri và cứu giúp hàng ngàn người trước cái ác, họ đã trở thành những người hùng vĩ đại.

Những người hùng đứng về lẽ phải và công lý

Tất nhiên, điện ảnh còn khai thác rất nhiều người hùng bình dị và có thật khác từ đời thường. Đôi khi họ không trực tiếp cứu sống một mạng người nào đó, nhưng những hành động của họ khi đứng về phía công lý, về lẽ phải hay bảo vệ những nạn nhân vô tội trước cường quyền cũng làm sáng lên phẩm chất người hùng.

Erin Brockovich (2000) của đạo diễn Steven Soderbergh là một bộ phim như vậy. Trong bộ phim tiểu sử này, Julia Roberts đóng vai một bà mẹ đơn thân, một nách ba con lại thất nghiệp nhưng vẫn… làm chuyện bao đồng khi tìm mọi chứng cứ để cáo buộc một công ty điện lực và khí đốt ở California làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước của thành phố và gián tiếp gây bệnh tật cho hàng trăm người dân. 

Hành động dấn thân bất chấp nguy hiểm của Erin Brockovich đã trở thành biểu tượng và khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều người khác đấu tranh chống lại các tập đoàn lắm tiền nhiều của nhưng phá hoại môi trường và môi sinh khác.

Trong bộ phim Spotlight (2015) của đạo diễn Tom McCarthy (đoạt giải Oscar phim hay nhất), một nhóm phóng viên và biên tập viên của tờ Boston Globe quyết tâm phanh phui vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em tại một nhà thờ Công giáo. 

Vụ điều tra gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm khi họ đối mặt với quyền lực, với sự bao che cho cái ác; nhưng bằng mọi giá, những người hùng báo chí này vẫn quyết tâm vạch mặt những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện những hành vi đồi bại. 

Cuối cùng, họ đã đưa những vị linh mục lạm dụng tình dục ra ánh sáng và tiếp tục vạch trần nhiều vụ lạm dụng ở nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới, làm rung chuyển toàn bộ giáo hội Công giáo.

Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người hùng

Khác với những bộ phim tiểu sử hoặc dựa theo các sự kiện có thật, Accidental Hero (Người hùng tình cờ) là một bộ phim hư cấu hoàn toàn của đạo diễn Stephen Frears. Trong bộ phim này, diễn viên kỳ cựu Dustin Hoffman đóng vai Bernie - một gã đàn ông thất bại và làm nghề móc túi để kiếm sống.

Anh ta bị vợ ly hôn, mất quyền nuôi con trai và đang bị cảnh sát truy lùng để tìm dấu vết buộc tội. Thế nhưng, trong một giây phút tình cờ của số mệnh, anh ta lại trở thành người hùng giải cứu cho vài nạn nhân còn sống sót trong một tai nạn máy bay.

Tuy nhiên, bên cạnh hành động nghĩa hiệp đó, anh ta vẫn không quên… thó vài món đồ có giá trị của những nạn nhân trên chuyến bay và làm rớt lại một chiếc giày tại hiện trường.

Một trong những nạn nhân được anh ta cứu sống là nữ phóng viên nổi tiếng Gale Gayley (Geena Davis đóng) và cô nhanh chóng biến trải nghiệm này thành một câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong khi số tiền thưởng lớn được đưa ra để tặng cho người hùng ẩn danh thì Bernie đã bị cảnh sát bỏ tù; một tay cựu binh vất vưởng khác, nhờ có chiếc giày còn lại của anh ta, lại trở thành người hùng được cả xã hội tôn vinh và thần tượng.

Câu chuyện phim nhiều kịch tính và lắm lắt léo này đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, làm vỡ ra nhiều giá trị ảo và sự giả dối, về sự thao túng và bóp méo của truyền thông…

Nhưng cuối cùng, cái thông điệp cốt lõi về "người hùng tình cờ", về tinh thần hướng thượng, về lòng trắc ẩn, thậm chí sự vĩ đại, được bột phát trong phút nguy nan mới là những giá trị cuối cùng mà bộ phim hướng tới.

Đạo diễn phim siêu anh hùng Mỹ ca ngợi anh Mạnh: Đạo diễn phim siêu anh hùng Mỹ ca ngợi anh Mạnh: 'Tuyệt vời người hùng lái xe tải'

TTO - Không chỉ vị đạo diễn nổi tiếng, nhiều tờ báo, kênh tin tức quốc tế cũng đưa tin về anh Nguyễn Ngọc Mạnh trong những ngày qua: The Guardian, France 24, Yahoo, London Evening Standard, Daily Mail, Complex, The Huffington Post, The Independent...

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên