Kỳ 1: Tự nguyện, tự chọn rồi... tự bỏ Kỳ 2: Cánh cửa hẹp methadone
Phóng to |
Công an bắt giữ một đối tượng nghiện ma túy tấn công cả bà nội và em nhỏ - Ảnh: Đức Thanh |
Ông Nguyễn Thành Tài - nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng ban phòng chống tội phạm, phụ trách trực tiếp về vấn đề cai nghiện ma túy tại TP.HCM - nói như vậy khi đề cập vấn đề thực hiện cai nghiện.
Quản lý người nghiện để kéo giảm tội phạm
"Nhiều ý kiến cho rằng cai nghiện tập trung là vi phạm quyền con người. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là cách ly người nghiện ra khỏi môi trường sử dụng ma túy chứ không cách ly khỏi cộng đồng xã hội. Gia đình, địa phương, đoàn viên thanh niên đều có thể đến thăm, giao lưu thường xuyên. Sự cách ly tạm thời để giáo dục hành vi ý thức thông qua lao động và học tập" ÔngNGUYỄN THÀNH TÀI (nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM) |
Thực tế gia tăng tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy tại TP.HCM trong thời gian gần đây khiến nhiều người nhớ đến tình hình trước năm 2001.
Trước các loại tội phạm nghiêm trọng liên quan đến ma túy liên tục xảy ra, TP.HCM phải xin thực hiện đề án thí điểm quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. “TP lúc đó có đến hơn 30.000 người nghiện. 70% các vụ phạm tội có liên quan đến người nghiện. Thực tế này khiến TP phải tính đến biện pháp mạnh, dồn sức tấn công tội phạm. Riêng với người nghiện, biện pháp ưu tiên thời điểm đó là quản lý cai nghiện tập trung” - ông Nguyễn Thành Tài nhắc lại.
Theo ông Tài, thời điểm đó, các cấp chính quyền đều có ban chỉ đạo thực hiện đề án. Ban chỉ đạo cấp cơ sở hoạt động họp hằng tuần, đưa danh sách người nghiện lên hội đồng cấp TP để phân về hệ thống trường, trại cai nghiện. Học viên vào trường được chăm sóc y tế, cắt cơn. Khi sức khỏe ổn thì bắt đầu tuyên truyền, giáo dục kèm theo lao động sản xuất, học văn hóa, học nghề, thậm chí học đại học từ xa. Kết quả, tội phạm được kéo giảm, nhiều địa bàn được chuyển hóa. Đáng tiếc là đề án này chỉ thực hiện được một thời gian, sau đó phải bỏ vì không được Quốc hội chấp thuận.
Chưa thể thực hiện cai nghiện bắt buộc
Ông Văn Kiều - phó Phòng lao động, thương binh và xã hội quận 5 - cho biết trước đây chỉ cần xét nghiệm dương tính là lập tức làm hồ sơ chuyển vào trường cai nghiện. Giờ truy quét, nếu phát hiện được, xét nghiệm dương tính thì chỉ xử phạt hành chính 750.000 đồng rồi thả ra, thậm chí còn không thu phạt được khi đối tượng ma túy là người lang thang. Khó khăn trước mắt là chưa có văn bản hướng dẫn quản lý người nghiện, nhưng khi có văn bản hướng dẫn rồi vẫn sẽ khó khăn, lúng túng. Nếu giao chức năng tổ chức cai nghiện cho phường, xã thì phải có cơ sở vật chất, phòng cắt cơn, phòng hồi sức... Liệu các trạm y tế phường, xã có kham nổi không?
Ông Kiều còn nói theo quy định, khi phát hiện đối tượng nghiện ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính, cơ quan chức năng sẽ xác minh nơi cư trú, nếu là đối tượng ở địa phương khác thì phải chờ lập hồ sơ để chuyển đối tượng. Trong thời gian chờ xác minh, lập hồ sơ thì đối tượng phải được giao cho tổ chức xã hội quản lý. Hiện hầu hết các quận, huyện đều không có cơ sở làm chức năng này.
Ông Phạm Đức Trung, phó Phòng lao động - thương binh và xã hội quận Thủ Đức, cũng nói: “Hiện vẫn phải ngồi chờ hướng dẫn thực hiện giáo dục tại phường, xã nên chỉ phạt hành chính, lưu hồ sơ quản lý chứ không thể xử lý người nghiện. Từ năm 2010 đến nay Thủ Đức chưa có trường hợp nào tự giác khai báo tình trạng nghiện cũng như đăng ký hình thức cai nghiện dù thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền. Có trường hợp xét nghiệm dương tính, địa phương vận động đi cai nghiện tự nguyện, nhưng chỉ được vài ba bữa là trốn về”.
Ông Trần Văn Độ, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 quy định chánh án các tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định đưa các đối tượng vào trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc. Sau đó, Chính phủ có nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Theo ông Độ, luật và nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện, Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành các biểu mẫu để tòa án cấp dưới áp dụng. Tuy nhiên theo ông Độ, có thể nghị định vừa có hiệu lực từ ngày 15-2, thủ tục, hồ sơ các trường hợp đưa vào trung tâm cai nghiện còn vướng ở một vài bộ phận khác nên các tòa án chưa triển khai được.
Theo Tòa án nhân dân TP.HCM, ngày 17-7 cơ quan này đã tổ chức tập huấn cho các tòa quận huyện trong TP về việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại tòa án, trong đó có biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với những người nghiện ma túy. Như vậy, đến nay hầu hết tòa trên địa bàn các quận huyện tại TP mới bắt đầu triển khai thực hiện chứ chưa xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn.
Cách làm hiện nay chưa ổn
“Trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng như hiện nay, nếu chỉ tập trung cai nghiện cộng đồng thì tôi cho rằng không ổn, nhất là khi hành lang pháp lý, bộ máy nhân sự, cơ sở vật chất tại từng địa phương chưa sẵn sàng cho việc thực hiện cai nghiện tại cộng đồng” - ông Nguyễn Thành Tài chia sẻ thẳng thắn.
* Vì sao lại chưa ổn, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thành Tài: Đặc điểm của người nghiện ma túy ở nước ta đa số là trẻ. 80% có trình độ văn hóa thấp, thậm chí mù chữ, không có công ăn việc làm. Có giai đoạn 70% tội phạm giật dọc trộm cướp ở TP là người sử dụng ma túy. Trong bối cảnh như vậy, với cách làm hiện nay, tôi cảm thấy sự phối hợp chưa có, trách nhiệm chưa rõ, làm theo kiểu trách nhiệm hành chính ở từng cấp chứ chưa thấy được sự nhiệt tình và quyết tâm chính trị cao, thiếu một sự dũng cảm để đánh giá kết quả thực chất.
Một môi trường mà người ta có thể mua ma túy dễ dàng, người nghiện có thể nhởn nhơ thì rất khó mà nói đến chuyện cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Cộng với hành lang pháp lý còn nhiều sơ hở, còn nhiều điểm bất khả thi thì tính tự nguyện lại càng khó thực hiện. Lúc TP thực hiện cai nghiện tập trung ở các trường trại, mình quản lý chặt như thế nhưng chỉ cần một chút sơ hở là ma túy tuồn vào tận trong trường, là học viên trốn trại. Thử hỏi bây giờ với điều kiện lỏng lẻo như thế thì cai nghiện tại cộng đồng sẽ đạt đến đâu?
* Biện pháp nào để kéo giảm vấn nạn ma túy?
- Trước hết phải đấu tranh kiên quyết và xử thật mạnh tay những người buôn bán ma túy. Thứ hai là quản lý văn hóa ở cơ sở phải chặt hơn nữa. Thứ ba, nếu vẫn giữ quy trình thủ tục đưa người đi cai như hiện nay trên tinh thần bảo vệ quyền con người thì quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý hành chính, cơ quan tư pháp, cơ quan xét xử phải nhịp nhàng và nhanh chóng giống như thủ tục hành chính một cửa một dấu.
Cuối cùng, người nghiện phải được phân loại: theo tuổi, theo trình độ văn hóa, nghề nghiệp, theo hoàn cảnh gia đình và nhân thân. Ví dụ với những em học sinh, sinh viên, người có trình độ văn hóa, nhân thân tốt, được gia đình quan tâm và có nhiều khả năng, động lực để tự cai thì không cần đưa đi cai tập trung. Nhưng với đối tượng có tiền án tiền sự, tái nghiện nhiều lần, nhân thân không tốt, không trình độ, không hi vọng gì vào chuyện tự nguyện cai thì phải đưa đi cai tập trung thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận