Nên đưa trẻ tiêm ngừa cúm - Ảnh: T.T.D.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh; từ đó có thể gây dịch, thậm chí đại dịch.
"Ưa" nơi đông người
Trước đó, trong hai ngày 23 và 24-9, 74 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên (thị trấn U Minh) phải đến cơ sở y tế điều trị với cùng triệu chứng bị sốt, ho, nhức đầu…
Đến sáng 25-9, ngành y tế thị trấn U Minh (Cà Mau) tiếp tục ghi nhận thêm 81 học sinh nhập viện cùng triệu chứng trên, nâng tổng sổ lên đến 155 học sinh.
BS.CKI Nguyễn Tùng Lâm (khoa Hô hấp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) cho rằng với mức độ lây lan nhanh cùng với những triệu chứng nêu trên thì có thể nguyên nhân chính là do vi rút gây ra, cụ thể là virút cúm (Influenza virus).
Bác sĩ Lâm cho biết bệnh cúm lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc… của bệnh nhân có chứa virút cúm, rồi virút vào cơ thể qua đường mũi họng.
Theo đó, tỉ lệ lây lan càng mạnh khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Ngoài ra, khi điều kiện thời tiết thất thường (lúc ẩm thấp, lúc hanh khô) có thể khiến các loại virút gây bệnh sinh sôi mạnh và đây cũng là khoảng thời gian cơ thể khó thích nghi với thời tiết nên cảm cúm dễ xảy ra, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trẻ cần giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh lây bệnh cúm - Ảnh: XUÂN MAI
Bác sĩ Lâm cho hay bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài.
Ngoài ra, bệnh có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người có suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi...
Vậy cần làm gì khi bệnh mới chớm phát, tránh biến chứng?
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Lâm lưu ý khi trẻ mới xuất hiện với một trong những biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho... thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ở nhà cách ly ở phòng riêng vào 5-7 ngày đầu của bệnh. Song đó cần cho trẻ uống nhiều nước hơn, ăn đủ chất dinh dưỡng, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tránh nhiễm lạnh. Đáng chú ý hơn cả là cần mang khẩu trang cho trẻ để hạn chế lây lan cho người xung quanh.
Để phòng tránh lây nhiễm, người dân cũng cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đến nơi đông người.
Riêng đối với trẻ, phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia, tránh nhiễm lạnh, tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng bằng cách khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao....
Những đối tượng dễ cảm nhiễm bệnh cúm
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỉ lệ cảm nhiễm với các chủng virút cúm mới rất cao, có thể lên tới 90%.
Tuy nhiên, đối trẻ em, người già, người đang mắc các bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch thường dễ cảm nhiễm hơn những người khác. Khi mắc bệnh, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não...
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận