Điều gì quyết định tác phong của một cán bộ nhà nước trong quan hệ công việc với người dân? - Ảnh: THANH TÙNG
'Mặc quần jeans đến công sở thấy kỳ kỳ'
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, khi tham mưu ban hành quy định "nam và nữ công chức, viên chức đều không được mặc quần jeans, áo thun các loại đến công sở".
Cụ thể, theo quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP Cần Thơ, quy định về trang phục rất cụ thể: gọn gàng, lịch sự, kín đáo, kiểu dáng - màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc.
Nam cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu. Nữ cán bộ, công chức mặc áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở…
"Quần jeans xanh là cấm tuyệt đối", ông Ba nhấn mạnh.
Tư duy về công sở nên thoáng một xíu
Tất nhiên, một số cán bộ, công chức thấy quy định này là cứng nhắc. Một số phản hồi của độc giả Tuổi Trẻ Online cũng tỏ quan điểm: Quần jeans áo thun không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Chỉ cần kín đáo, lịch sự và đẹp là đủ yêu cầu đối với trang phục công sở.
Thậm chí có ý kiến: Kể cả cho phép thì cán bộ, công chức chưa chắc đã mặc quần jeans, áo thun đi làm nếu bản thân họ quan tâm đến ấn tượng chuyên nghiệp mà trang phục tạo ra, qua đó là hiệu quả mà tính chuyên nghiệp mang lại.
Tuy vậy, điều mà công chúng quan tâm hơn cả ở cán bộ, công chức lại không phải quần áo của họ, mà là thái độ phục vụ. "Sửa lại cái vẻ mặt, cái miệng và lời ăn tiếng nói cần hơn", một độc giả viết.
Về điểm này thì quy tắc ứng xử của TP Cần Thơ cũng nêu: Ân cần, nhã nhặn, niềm nở, biết lắng nghe ý kiến và giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định; ưu tiên giải quyết công việc với người già yếu, bệnh tật, người khuyết tật, phụ nữ mang thai; "xin chào", "xin lỗi" và "cảm ơn" trong các ngữ cảnh phù hợp.
Tuổi Trẻ Online muốn hỏi thẳng những độc giả đang là công chức, viên chức và những độc giả là người thường xuyên đến các cơ quan công quyền: Trang phục của cán bộ và chất lượng phục vụ của họ có liên quan đến nhau không? Điều gì mới quyết định tác phong của một cán bộ nhà nước trong quan hệ công việc với người dân?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận