15/08/2015 06:28 GMT+7

​Cầm cố cho con đến trường

LÂM THIÊN  - M.VINH
LÂM THIÊN - M.VINH

TTO - Để con không phải bỏ học kiếm sống, giữa lúc tận nghèo nhiều nông dân đã chọn việc cầm cố tất cả để có tiền cho con đi học.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Mai phân loại phế liệu trước khi mang đi bán - Ảnh: Mai Vinh

Những câu chuyện chạy vạy để con được đến trường giữa lúc quay quắt đói nghèo xuất hiện ở hầu hết hộ gia đình được chọn trao vốn trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng tối 15-8.

Chương trình nằm trong Quỹ “Vì ngày mai phát triển” do báo Tuổi Trẻ thực hiện, Công ty GreenFeed Việt Nam tài trợ.

Nhà “ve chai”

Người dân xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) gọi căn nhà chị Nguyễn Thị Mai (38 tuổi) là nhà “ve chai”. Đó là căn nhà rộng chừng 20m2 nằm giữa vườn cà phê. Nếu không để ý sẽ không biết lối vào nhà vì con đường dẫn vào nhà thực tế là khoảng đất trống giữa hai hàng cà phê.

Chị là người thu mua ve chai và căn nhà chị và chồng dựng lên cách đây tám năm sau khi cưới nhau cũng bằng hàng trăm thứ đã bị xếp vào hàng ve chai.

Những tấm tôn đã mục lỗ chỗ, những khung cửa xiêu vẹo, những tấm lưới sắt hoen gỉ, những tấm phên tre xỉn màu… đã ghép thành ngôi nhà, hiện là nơi ở của bốn người.

Quá nghèo, chồng chị phải theo những đoàn thợ hồ đi lang bạt kiếm sống. Chị ở nhà nuôi người mẹ chồng đã 85 tuổi triền miên đau bệnh và chăm hai đứa con đang học cấp 1. Phương tiện di chuyển duy nhất của cả gia đình là chiếc xe đạp méo mó.

Sáng chị chở con đến trường rồi đạp xe đi mua phế liệu. Căn nhà ẩm thấp cũng khiến các con chị đau ốm triền miên.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Mai phân loại phế liệu trước khi mang đi bán - Ảnh: Mai Vinh

Gặp chị Mai khi đang phân loại phế liệu, chị bảo đang tính toán tiền bạc lo cho hai đứa nhỏ đóng tiền trường đầu năm. “Bán hết mớ này rồi còn thiếu, chắc đi vay nóng cho kịp, qua tháng gom tiền phế liệu rồi trả nợ”, chị nói và tay thoăn thoắt làm.

Với chị Mai, cảnh đầu năm đi vay nợ nóng để lo cho con nhập học là chuyện diễn ra đã nhiều năm. Chị nói: “Vay nóng, vay nguội gì cũng phải ráng, các con đi học sau này sẽ khá hơn mình”.

Với chị Cao Thị Thắm (khu phố Cam Ly, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) túng quẫn đã đến với gia đình khi ngày nhập học của ba đứa con đã cận kề nhưng chị không có tiền đóng học phí cho con. Một mình chị nuôi bốn đứa con ăn học. Con lớn nhất đã nắm trong tay một vé vào ĐH, còn con nhỏ nhất chuẩn bị vào lớp 1.

Căn nhà trống hoác chị không biết phải cầm cố cái gì để giải quyết sự túng quẩn. Cách đây năm năm, chồng chị bỏ nhà đi để lại cho chị căn nhà cũ nát với bốn đứa con nheo nhóc. Chị lặn lội khắp làng trên xóm dưới làm thuê cuốc mướn.

Những năm trước đứa con gái thứ hai bị bệnh, phải phẫu thuật. Chị đem hết của cải trong nhà đi bán để kiếm tiền chạy chữa cho con. Căn nhà trống hoác chỉ còn lại chiếc giường và bộ bàn. “Ai cũng bảo cho đứa lớn nghỉ học phụ gia đình mà không nỡ.

Người ta muốn vào ĐH lắm mà không được, trong khi con mình có cơ hội mà bỏ thì hối hận không biết chừng nào thôi”, chị Thắm nói, ánh mắt đưa về phía các con.

Vợ chồng anh Hiền sắp xếp bộ sách giáo khoa lớp 10 vừa xin được cho đứa con chuẩn bị đi học - Ảnh: Lâm Thiên

Ngưng mua thuốc để dành tiền nhập học

Suốt ba năm nay, gia đình chị Trần Thị Gần (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) gần như khánh kiệt. Toàn bộ tài sản: đất đai, heo bò… trong nhà đều bị bán sạch để lấy tiền chạy chữa bệnh cho chồng chị - anh Võ Văn Hùng.

Chị Gần cho biết cách đây ba năm anh Hùng bị tai nạn, gãy đốt sống cổ. Từ đó anh nằm liệt một chỗ. Gia đình đã bán hết đất đai để chạy chữa cho anh nhưng vẫn không khỏi. Hiện tại hai chân của anh đang bị hoại tử nặng.

Hàng ngày hễ ai thuê gì chị đi làm nấy để kiếm tiền mua thuốc, mua gạo. Những tháng gần đây thấy người càng lúc càng mệt, anh Hùng bảo vợ không cần thuốc thang nữa, dành tiền mua sách vở cho con gái Trần Võ Lê Oanh. Vợ năn nỉ kiểu gì anh cũng không chịu.

Lê Oanh năm nay học lớp 8 (Trường THCS Tân Văn, huyện Lâm Hà). Suốt bảy năm qua, Oanh luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Ngoài những giờ học, Oanh thường thay mẹ chăm sóc cho cha: cơm nước, vệ sinh…

Nằm trên giường, hơi thở yếu ớt nhưng anh Hùng vẫn cố nhắn nhủ: “Cả đời cha mẹ đã khổ, trước mắt tôi mong sao bé Oanh được học hành tới nơi tới chốn để sau này nhờ bản thân. Giờ đời tôi coi như hết rồi, chỉ mong đời con khá hơn đời cha thôi”.

Nhắc đến gia đình ông Phan Văn Hiền (50 tuổi, trú tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), mọi người trong thị trấn ai cũng khâm phục vì hai vợ chồng làm thuê nhưng con cái đứa nào cũng học hành đàng hoàng.

Ông có năm người con, ba trong số đó đang học và chuẩn bị vào ĐH, hai đứa còn lại học THPT. Hai người con gái đầu của ông là Phan Thị Hồng Nga (21 tuổi) và Phan Thị Hồng Ngọc (20 tuổi) đang là sinh viên trường ĐH Đà Lạt. Đứa con trai thứ ba là Phan Trọng Hiếu đang chuẩn bị nhập học.

Ông Hiền cho biết ngày tựu trường năm nay là năm khó khăn nhất đối với gia đình. “Mấy năm trước tiền nhập học nặng chủ yếu là vì con Nga và Ngọc. Năm nay lại có thêm thằng Hiếu. Tôi tính riêng ba đứa nó chắc cũng gần chục triệu đồng”, ông Hiền nói.

Trần Võ Lê Oanh vừa ngồi cạnh cha (để tiện chăm sóc) vừa ghi nhãn vở chuẩn bị năm học mới - Ảnh: Lâm Thiên

Ngồi gần chồng, bà Mai (vợ ông Hiền) nói khẽ: “Trong nhà giờ chỉ còn lại mấy con heo với gà. Tôi định vài tuần nữa bán lấy tiền cho con nhập học.

Nếu không đủ thì bán cả bầy gà rồi đi mượn thêm - Ông Phan Văn Hiền vui vẻ tâm sự - Nhiều khi mệt lắm nhưng không dám nghỉ, mình mà nghỉ là các con không có tiền đóng tiền trọ, tiền ăn, tiền học...”.

Thêm 9,5 tỉ đồng tiếp sức nhà nông cho con đến trường

Mục đích của chương trình nhằm giúp các hộ nông dân có nguyện vọng chăn nuôi vươn lên thoát nghèo để có điều kiện nuôi con em ăn học. Từ năm 2010-2014 với tổng số vốn tài trợ 30,5 tỉ đồng, chương trình đã đến với 1.200 hộ nông dân tại 14 tỉnh Long An, Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Tiền Giang, Nghệ An.

Trong năm 2015, với tổng kinh phí 9,5 tỉ đồng chương trình tiếp tục triển khai đến 360 hộ nông dân tại sáu tỉnh: Bình Thuận, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Lâm Đồng, Quảng Nam.

Theo đó, mỗi hộ nông dân sẽ được vay 15 triệu đồng không lãi suất trong hai năm và nhận hỗ trợ thức ăn chăn nuôi của GreenFeed trị giá 3 triệu đồng; 360 học sinh - sinh viên là con các hộ nông dân tham gia chương trình được nhận phần thưởng trị giá 1 triệu đồng và phần thưởng đạt thành tích học tập tốt sau mỗi năm học.

Bên cạnh đó Công ty GeenFeed còn hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí trong suốt hai năm.

Tại Lâm Đồng vào tối 15-8, 60 nông dân có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định tại hai huyện Bảo Lâm, Lâm Hà sẽ được chương trình trao vốn.

LÂM THIÊN - M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên